Mình đã hoàn thành mục tiêu học tập của năm 2021

Tổng kết lại 2021, mình đã học 5 được khoá, đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Yay!

2021 Complete Python Bootcamp From Zero to Hero in Python

The Complete SQL Bootcamp 2022: Go from Zero to Hero

Video editing with Final cut pro

Hệ thống năng suất cá nhân (khoá này mình học của 1 người anh dạy qua Zoom, ảnh lâu lâu mới mở lớp nên không có link)

Google Data Analytics Certificate

Mình không phải sinh ra là người chăm chỉ. Tuy nhiên, mình đã rèn luyện được 1 kỹ năng mà mình nghĩ là quan trọng: kỹ năng tự học. Hôm nay mình sẽ chia sẻ những suy nghĩ và cách mà mình đã xây dựng cho bản thân kỹ năng này. Hy vọng có ích cho ai đó 😁

Tại sao mình học?

Đầu tiên, hãy bắt đầu với lý do. Mình tin là nếu có 1 lý do rõ ràng, người ta sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn.

Vì mình lười và ham chơi. Học những kỹ năng mới giúp cho công việc hiện tại được nhanh và hiệu quả. Mỗi khi làm 1 việc gì đó lặp đi lặp lại, mình sẽ cố gắng học để tự động hoá. Thời đại này hãy để máy móc làm thay con người, vừa không sai sót vừa luôn đúng hạn. Ví dụ: thay vì làm report mỗi tháng bằng excel, mình học PowerBI và 1 vài syntax để báo cáo tự động mỗi ngày. Hoặc mình sẽ luôn suy nghĩ xem làm sao có thể tối ưu workflow, để mình không phải dành quá nhiều thời gian nhưng vẫn hoàn thành công việc. Để có thời gian làm việc khác. Chơi chẳng hạn.

Vì mình muốn có những công việc thú vị. Mình nhận ra là với mỗi kiến thức/ kỹ năng mới, danh sách những điều mình có thể làm được mở rộng, mình có thể chọn công việc (chứ không để việc chọn mình). Học những điều mới để nếu quá chán công việc hiện tại thì nghỉ rồi chuyển sang việc khác thôi.

Học để trở thành người thú vị. Điều này hơi cá nhân 1 chút nhưng bản thân mình thấy những người thông minh và không ngừng học hỏi rất thu hút. Kiểu “Intelligence is the new sexy” vậy. Mình hoàn toàn có thể tạo ra giá trị cho người khác chỉ bằng việc biết 1 vài thứ mà người ta không biết. Nhiều tình bạn (và tình yêu) của mình cũng bắt đầu từ đó.

Học để trẻ. Tiếp thu những điều mới mẻ, ngoài lợi ích về công việc, có một cái mình thấy rõ ràng (với bản thân mình) là mình trở nên trẻ trung và vui vẻ hơn. Kiểu từ tâm hồn mà không mĩ phẩm hay quần áo nào mang lại được.

Chừng đấy lý đo đủ để bạn bắt đầu học chưa.

Làm sao để không bỏ cuộc?

Một trong những lý do mình thấy mọi người ngại học là: ôi dào mình không có năng khiếu học, mình học dở lắm.

Mình không nghĩ khả năng học hỏi là 1 năng khiếu. Mình nghĩ nó là bản chất của con người. Nếu bạn có thể học ăn, học nói, học bò, học đứng, học đi, bạn có thể học những thứ khác. Chính suy nghĩ rằng bạn không thể học chính là cản trở lớn nhất dẫn đến việc bạn không học được.

Vậy nên việc đầu tiên là loại bỏ suy nghĩ mình không thể học. Bạn học không giỏi toán lý hoá không có nghĩa là bạn học kém. Chính nền giáo dục hoặc thầy cô hoặc môi trường lúc đó đã làm cho bạn có định kiến về bản thân. Hoặc bạn quên cái định kiến đó, hoặc tạm dẹp nó qua 1 bên và thử. Thử rất quan trọng, nó cho chúng ta hy vọng. Thử không được thì thôi, chả sao. Nhưng không thử thì chả bao giờ được. Bạn cũng không mất gì khi thử học 1 cái gì đó.

Lý do tiếp theo là không có thời gian. Theo báo cáo mới nhất mình đọc thì người Việt Nam trung bình dành 2h để lên mạng xã hội. Bạn bớt đi 1 tiếng thì cũng học được nhiều rồi đấy.

Thứ 2 là đừng mất quá nhiều thời gian chọn lựa xem mình học cái gì, liệu cái mình học có đúng là cái mình cần học hay không. Chọn tới chọn lui có khi mất nhiều thời gian hơn là bắt tay vào làm. Hoặc tệ hơn là nghĩ mà không làm. Bắt đầu bằng sự tò mò hoặc 1 vấn đề cụ thể.

Mình nói kỹ hơn về sự tò mò. Tò mò hay đi kèm với hứng thú và rất dễ dẫn đến yêu thích. Mình chia sẻ trải nghiệm cá nhân của bản thân: mình bắt đầu với digital hoàn toàn là sự tò mò, kiểu làm digital là làm gì nhỉ, chạy quảng cáo thấy cool ghê, hay mình thử học 1 khoá chạy quảng cáo xem sao. Thời điểm đó mình không làm digital (mình đang làm research), nhưng càng học càng thấy hay, rồi dần dà bắt tay vào làm, quen được nhiều người giỏi, và nhìn ra được nhiều cơ hội. Rồi cũng từ digital mà mình biết tới freelance, biết tới digital nomad. Mình hay nói là để cuộc sống dẫn đường, xem nó dẫn mình tới đâu là vậy. Tại sao có những người luôn gặp được những cơ hội thú vị? Vì người ta luôn dành chỗ cho những sự tình cờ.

Thứ 3 là quản lý kỳ vọng của bản thân. Bắt đầu từ dễ đến khó. Cơ bản trước, nâng cao sau. Học là việc lâu dài. Mình không bao giờ hy vọng rằng mình học xong khoá này mình có thể làm được abc, mình có thể đạt được xyz. Để giỏi trong 1 lĩnh vực nào đó thời gian sẽ phải tính bằng năm, sẽ phải là sự kết hợp của lý thuyết và thực hành. Vậy nên, cách đặt mục tiêu rất quan trọng. 1 mục tiêu rõ ràng và dễ đạt được sẽ là nguồn động lực lớn. Mục tiêu mơ hồ và quá sức sẽ khiến bạn nản chí và bỏ cuộc.

Học như thế nào?

Mỗi người có 1 style học riêng. Mình làm như vậy có hiệu quả không có nghĩa bạn làm giống hệt sẽ đạt kết quả như mình. Tham khảo nhưng cũng nên điều chỉnh để phù hợp với bản thân. Dưới đây là 1 số điều mình đã làm để tự học hiệu quả.

Mục tiêu nhỏ

Chia mục tiêu lớn, ví dụ hoàn thành chứng chỉ Google Data Analytics thành các mục tiêu nhỏ (mini goal). Ở đây mình thấy nó có 8 modules. Mình học thử 1 tuần thì thấy có thể hoàn thành được 1 module. Vì vậy sau khi thử nghiệm, mình quyết định sẽ dành 1-2 giờ/ ngày, và sẽ học trong 8 tuần là xong.

Thử nghiệm

Làm sao mình có thể lên được plan là 1-2 giờ/ ngày, 4-5 ngày/ tuần và hoàn thành trong vòng 2 tháng. Là do mình đã thử 1 tuần xem tốc độ tiếp thu của mình như thế nào. Hãy thử, đừng thấy người ta lên plan như vậy thì mình copy. Mỗi người có khả năng tiếp thu và ưu tiên trong cuộc sống khác nhau.

Linh động

Mình có 1 tuần không học. Tuần đó mình thi cuối kỳ. Plan chi tiết nhưng cũng linh động cho những tình huống cụ thể. Sau khi có lịch thi, mình điều chỉnh mục tiêu thành 9 tuần. Tuy nhiên sau khi thi xong tự dưng muốn thử thách bản thân nên mình đã tăng thời lượng học lên 2 giờ/ ngày và vẫn hoàn thành mục tiêu như ban đầu.

Đo lường

Với các nền tảng học online thì đều có progess bar để bạn biết mình đã học được bao nhiêu. Tuy nhiên để trực quan hoá hơn thì mình có in habit tracker và mỗi ngày mình có học sẽ tick 1 cái. Việc này vừa làm mình cảm thấy tự hào về bản thân vì đạt được mục tiêu ngày, vừa giúp mình keep track tiến độ học tập.

Có 1 cộng đồng

Mình có thể rủ ai đó học cùng, hoặc tham gia các cộng đồng trên mạng. Giờ cái cộng đồng qq nào cũng có mọi người ạ. Cứ lên Facebook search thôi.

Đó là tất cả những chia sẻ của mình về việc tự học. Ngoài kiến thức/ kỹ năng mới, mình nghĩ mình còn học được khả năng tự học. Happy learning! Nếu mọi người có câu hỏi gì hãy cho mình biết nhé!