Hello mọi người, tiếp nối chuỗi bài viết về hành trình MBA của mình, hôm nay mình sẽ chia sẻ cách mà mình đã chuẩn bị và vượt qua buổi phỏng vấn với trường như thế nào.
Với các bạn muốn được nhận vào các chương trình MBA, phỏng vấn là một phần không thể thiếu. Thường thì các trường sẽ có từ 1 đến 2 buổi phỏng vấn, có thể là với hội đồng tuyển sinh hoặc với cựu học sinh của trường. Mình thì chỉ phỏng vấn 1 lần, nhưng có những bạn lớp mình thì là 2, 1 qua phone và 1 qua zoom. Số lượng phỏng vấn mình nghĩ sẽ phụ thuộc vào chất lượng CV và performance trong buổi phỏng vấn đầu tiên, liệu trường có phải thực hiện thêm 1 buổi nữa để hiểu hơn về bạn hay không.
Mình nhận được thư mời phỏng vấn khoảng 3 tuần sau khi nộp hồ sơ, khá là nhanh so với tình hình chung của mọi người lúc đó. Theo thư của trường, mình sẽ chọn 1 slot trong những slot có sẵn và buổi phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng 30 phút. Tuy nhiên, nhìn vào slot xa nhất có sẵn chỉ cách có 1 tuần, nghĩa là mình có 1 tuần để chuẩn bị. Quá ngắn đối với mình! Đang chưa biết làm sao thì bạn mình khuyên, hay thử xin delay thêm 1 tuần. Mình cũng hơi run nhưng nghĩ nếu có thêm thời gian, mình sẽ làm tốt hơn vì vậy mình đã mạnh dạn viết thư than thở với trường về workload hiện tại (lúc đó đang là gần Tết ở Việt Nam) và xin dời phỏng vấn thêm 1 tuần nữa. Cũng rất may là trường đồng ý và như vậy, mình có 2 tuần để chuẩn bị. Sau này nhìn lại cả quá trình phỏng vấn, đó có thể coi là một trong những hành động đúng đắn của mình, vì 2 tuần mà mình còn xất bất sang bang chứ đừng nói là 1 tuần thì mình không biết mình phải xử lý như thế nào 😅.
1 chút background về việc phỏng vấn của mình: Tất cả các công ty mình làm đều là công ty Việt Nam, dù là giao tiếp hàng ngày hay viết báo cáo thì đều sử dụng tiếng Việt. Lần gần nhất mình luyện nghe-nói tiếng Anh chắc là 2 năm về trước, lúc mình học Ielts. Vì vậy, kỹ năng nghe-nói tiếng Anh của mình khá là tệ ở thời điểm đó.
Quá trình chuẩn bị phỏng vấn của mình gồm 5 bước như sau:
Lên list các câu hỏi
Mình tìm câu hỏi ở 2 nguồn. 1 là từ bạn mình gửi cho. 1 là từ GMAT Club. 2 nguồn này tương đối…giống nhau nên mình nghĩ với list câu hỏi, bạn chỉ cần tìm trên GMAT Club là đủ.
Mỗi năm GMAT Club đều có các thread để mọi người post về trải nghiệm phỏng vấn của từng trường. Theo mình đây là nguồn rất tốt để tìm câu hỏi phỏng vấn, vì mọi người chia sẻ thật tình và tức thời, có nhiều bạn vừa đi phỏng vấn về là lên chia sẻ luôn. Bạn chỉ cần xem các debrief khoảng 1,2 năm trở lại đây là sẽ có được hình dung cơ bản các câu hỏi sẽ như thế nào. Tựu chung mình thấy sẽ có 4 blocks câu hỏi:
+ Bản thân (tell me about yourself, hobbies, strengths, weaknesses…)
+ Công việc (what do you do, challenges, achievements…)
+ MBA (why MBA, why NUS, why now…)
+ Những hiểu biết chung (industry trends…)
Chia các câu hỏi ra thành từng cụm sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn, không bị thiếu cũng không bị lan man.
NUS: https://gmatclub.com/forum/nus-209/interview_debrief.html
List câu hỏi mình chuẩn bị và luyện tập: https://docs.google.com/document/d/10K2YMpzCMJIlg3XA7A21t20pefNAo8HmaqOlyLr2X0U/edit
Chuẩn bị câu trả lời
Sau khi có danh sách câu hỏi rồi, mình bắt tay vào chuẩn bị câu trả lời. Với mình thì đây là phần khó và mất nhiều thời gian nhất.
[2 ngày đầu tiên] Đầu tiên, mình dành 2 ngày để brainstorm 4 blocks câu hỏi, mỗi block 1 buổi. Mình ra cà phê ngồi để vào mood deep work, sau đó cứ viết ra hết những gì mình nghĩ. Mình cố gắng không google mà tự suy nghĩ, reflect lại những gì đã xảy ra, những gì thật nhất đối với mình. Theo mình, bước này rất quan trọng vì dưới áp lực của buổi phỏng vấn, nếu câu chuyện là của người khác, mình sẽ không thể nào trả lời tự nhiên được. Sau 2 ngày, mình chỉ trả lời được tầm 1/2 số lượng câu hỏi, còn lại mình…bí.
[3 ngày tiếp theo] Trong 3 ngày tiếp theo, với những câu trả lời đã có nội dung, mình cấu trúc lại và viết ra bằng tiếng Anh. Mình quyết định viết ra đầy đủ và học thuộc vì tại thời điểm đó, khả năng nói của mình khá tệ do không sử dụng tiếng Anh đã rất lâu. Bạn có thể chọn viết keywords nếu bạn tự tin với khả năng triển khai ý của bản thân. Trong 3 ngày này, mình chỉ dành 2,3 tiếng cho việc chuẩn bị phỏng vấn, còn lại mình vẫn đi làm, đi siêu thị, nấu ăn…Khoảng thời gian để đầu óc thảnh thơi rất quan trọng, vì đó là lúc mình có thể nảy ra câu trả lời cho các câu hỏi mình còn bí. Mình không nhớ kỹ thuật này tên gì, nhưng mình nhớ là có đọc ở đâu đó, rằng khi thả lỏng đầu óc, bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng hay.
[2 ngày tiếp theo] 2 ngày cuối của tuần đầu, mình tổng hợp và viết lại tất cả các câu trả lời. Mình không viết 1 cách bâng quơ theo nhịp suy nghĩ, mà với mỗi câu hỏi, mình đều cố gắng trả lời theo các tiêu chí sau:
+ Đi thẳng vào nội dung chính, không lòng vòng, không kể chuyện rồi mới kết luận. Bạn cứ tưởng tượng như khi viết Ielts vậy: Ý chính —> Giải thích/ Ví dụ.
+ Với các câu hỏi kể kề 1 kỷ niệm, 1 sự kiện, mình dùng mô hình STAR: situation – task – action – result để cấu trúc câu trả lời. Tình huống là gì? Mục tiêu? Mình đã làm gì? Kết quả như thế nào? và Bài học rút ra là gì? Bài học rất quan trọng, vì nó phản ánh khả năng tự đối chiếu và rút kinh nghiệm của bản thân.
+ Câu trả lời phải KHỚP với CV, bài luận và hình ảnh mà bạn đã xây dựng. Đừng cố gắng bay bổng chọn ra những câu trả lời thật hay mà không đúng với CV hoặc những gì bạn viết trong bài luận. Lúc đó, bạn sẽ bị đặt câu hỏi, vậy đâu mới là thật? Bạn bị 1 điểm trừ lớn về sự trung thực. Chưa kể, như mình đã nói ở bài trước, trường chọn bạn vì profile của bạn unique, giúp diversify class profile —> một yếu tố cực kỳ quan trọng của các chương trình MBA. Vậy nên, nếu bạn trả lời tùm lum ở buổi phỏng vấn, trường sẽ confuse vì không biết bạn là người như thế nào.
Ví dụ như ở trường hợp của mình. Mình xây dựng hình ảnh bản thân là 1 người làm ở nhiều môi trường (agency, client, start up, đi dạy), vậy nên trong các câu chuyện của mình luôn có yếu tố linh động và chủ động.
Tự luyện tập
[5 ngày tiếp theo] Chuẩn bị nội dung mất 1 tuần. Tuần tiếp theo mình dành để luyện tập và chỉnh sửa nếu cần thiết. Đầu tiên, mình học thuộc tất cả các câu hỏi và tự quay lại bằng điện thoại. Mình làm đi làm lại nhiều lần sao cho nghe tự nhiên nhất có thể. Vì phỏng vấn qua Zoom, có 1 lưu ý hết sức quan trọng là bạn nên kê máy tính lên cao 1 chút và nhìn vào camera thay vì nhìn vào màn hình, vì như vậy bạn mới eye-contact thực sự. Bạn cứ tưởng tượng là nếu bạn hình vào màn hình thì người bên kia sẽ cảm giác bạn đang nhìn xuống dưới, trong khi cái mà mình muốn là nhìn trực diện vào đối phương. Tập cái này khá là khó vì vốn mình đã quen nhìn màn hình, vì vậy mình đã dán 1 miếng sticker cạnh camera laptop với dòng chữ “Look here” để nhắc nhở bản thân nhớ nhìn vào camera lúc nói chuyện.
Mock interview với bạn
Mình có 2 buổi mock interview, diễn ra song song với quá trình tự luyện tập của mình. Buổi đầu tiên diễn ra ngay ngày đầu tiên của tuần thứ 2. Tụ mình làm qua Zoom, bạn mình đóng vai interviewer, hỏi các câu hỏi trong list đã chuẩn bị và các câu hỏi thêm bên ngoài, mình trả lời. Sau buổi đầu tiên mình khá là…lo lắng vì mình quên và vấp khá là nhiều. Nội dung câu trả lời cũng chưa thật sự tốt. Khi mình tự làm, mình nghĩ như vậy là hay rồi, nhưng người khác nghe sẽ cho bạn cái nhìn khác hẳn. Vì vậy mình nghĩ việc mock interview là vô cùng cần thiết. Một sai lầm mà nếu được làm lại, mình sẽ mock interview ngay lúc mình chuẩn bị content luôn vì như vậy, mình sẽ không bị áp lực vừa sửa/ tạo content mới, vừa luyện nói. Theo mình, mock interview ít nhất 3 lần, 1 lần lúc làm content, 1 lần lúc đã có hết content và lần cuối tập trung vào phong thái và cách diễn đạt.
Chuẩn bị tinh thần, quần áo, thiết bị
[1 ngày trước phỏng vấn] Quay qua quay lại hết 2 tuần, mình còn 1 ngày để chuẩn bị. Ngày hôm ấy mình không ôn gì nữa cả, chủ yếu thả lỏng bằng cách coi hài tiktok, nấu ăn và đi gội đầu. Mình tự nhủ là mình đã cố gắng hết sức rồi, và mình cũng ăn ở tốt nên trời sẽ thương thôi (AQ dễ sợ 😅).
Ngày phỏng vấn
[D-day] Buổi phỏng vấn của mình bắt đầu lúc 9h sáng. Mình dậy sớm, ăn sáng uống cà phê make up và thay sẵn quần áo đã ủi từ hôm qua, rồi nghĩ sao đó, mình lấy giày cao gót mang vào. Dù phỏng vấn qua Zoom sẽ không thấy được bên dưới mình mặc gì, nhưng mình vẫn mang giày cao gót và đó là quyết định đúng đắn nhất của mình trong cả quá trình chuẩn bị, vì mình thấy bản thân tự tin hơn hẳn.
Hít 1 hơi thật sâu và bắt đầu thôi.
Phỏng vấn mình là 1 cô Admission director và 1 bạn Alumni.
Bắt đầu buổi phỏng vấn, sau màn giới thiệu, cô Admission director hỏi mình đang cảm thấy thế nào và mình cũng nói thật là hơi run. Cô cười và bảo “just be yourself”. Nhờ vậy mà không khí buổi phỏng vấn trở nên khá thoải mái, giống như 1 cuộc truyện trò. Tuy nhiên, một điều nằm ngoài dự tính của mình, đó là các câu hỏi mình ôn tập đa phần…trật lất. Ngoài tell me about yourself và why NUS, các câu hỏi còn lại xoay quanh sở thích tập gym và công việc mình đang làm hiện tại. Dù không chuẩn bị chính xác nhưng vì ở bước làm CV, bài luận, mình đã reflect bản thân và công việc hiện tại khá là nhiều, cộng với đã luyện tập cách trả lời các dạng câu hỏi theo các mô hình, nên vẫn xử lý được các câu hỏi nằm ngoài dự kiến. Việc chia sẻ câu chuyện thực tế giúp mình giữ mức năng lượng của buổi phỏng vấn khá cao. Mình nghĩ là mình đã làm khá tốt.
Đây là list các câu hỏi mình được hỏi:
+ Introduce about yourself
+ (Mình có nói về việc mình tập weight lifting) Why do you pursue this activity?
(Mình có nói về việc mình làm ở start up)
+ Pitch your start up (1 min)
+ Pro& con working in start up
+ How to recruit members?
+ How to keep members?
+ What is your exist strategy?
+ Why NUS?
Key takeways của mình
+ Chuẩn bị phỏng vấn ngay sau khi nộp hồ sơ, đừng đợi tới lúc nhận được interview invitation
+ Nếu bạn không chuẩn bị kịp, hãy mạnh dạn viết thư xin delay
+ Nội dung trả lời phải khớp với CV và bài luận, và phải thật nhất với thực tế. Có thể những gì bạn được hỏi không giống bất kỳ list câu hỏi nào, tuy nhiên chắc chắn nó sẽ đi ra từ CV, bài luận và bản thân bạn
+ Nội dung các câu trả lời phải khớp với nhau
+ Thần chú khi chuẩn bị nội dung: sau khi trả lời xong câu hỏi này, người ta sẽ hình dung mình có tính cách như thế nào —> cố gắng đưa vào các key words để xây dựng hình ảnh bản thân
+ Trả lời theo lối diễn dịch: chung —> riêng
+ Mock interview nhiều nhất có thể. Nếu bạn không có người quen, hãy dùng dịch vụ. Không nên tự mình luyện tập
+ Kê laptop lên cao 1 chút, nhìn vào camera
+ Mang giày cao gót, tô son đỏ…hãy làm như thể bạn đi phỏng vấn thật
+ Cười tươi tắn, giữ mức năng lượng cao ngay từ lúc bắt đầu sẽ giúp cả buổi phỏng vấn thoải mái
+ Đừng quá lo lắng về tiếng Anh khi bạn đã chuẩn bị hết sức. Hãy AQ là Admission officer đã phỏng vấn biết bao đứa Nhật, Hàn,…tiếng Anh của người Việt vẫn còn đỡ 😅
Mình đã chia sẻ tất tần tật những bước mà mình đã làm, những sai lầm mà mình đã mắc phải và những bài học mình đã rút ra, nếu bạn có câu hỏi gì hãy comment bên dưới cho mình biết nhé!
Keep doing good work.
Lanh.