Cách mình nhận xét content Facebook

*Content ở đây bao gồm cả chữ & hình ảnh/ video.

Một nhiệm vụ rất thường xuyên của Digital Manager/ Brand Manager là nhận xét content upload trên nền tảng Facebook. Thông thường, với các nhãn hàng (brand) kinh doanh theo mô hình B2C, 1 tuần trung bình sẽ có từ 2-3 post Facebook, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải nhận xét (dân trong nghề gọi là feedback) chừng đó content.

Trong quá trình đi làm, mình thấy việc nhận xét content này rất hay trở thành vấn đề của agency và client (nếu công ty outsource agency làm content), hoặc là vấn đề của sếp – nhân viên (nếu công ty làm content in house). Bên giao việc thì thấy bên thực hiện “chẳng hiểu gì cả”, content dở, chán. Bên thực hiện thì cảm thấy những nhận xét của bên giao việc “không hiểu muốn gì”. Rất nhiều lúc sự bất đồng này kéo dài, dẫn đến kết cục là chia tay không êm đẹp aka chấm dứt công việc 😅. Một điều không ai muốn. Vậy, có giải pháp gì cho việc này hay không?

*Mình sẽ gọi bên nhận xét là Sếp và bên thực hiện là Nhân viên cho dễ xưng hô. Nếu công ty outsource việc làm content thì bạn chỉ cần thay Sếp bằng Client, Nhân viên bằng Agency là được.

Theo mình, có 2 lý do dẫn đến việc này.

Lý do 1: không có sự thoả thuận ngay từ đầu về kỳ vọng của 2 bên “thế nào là content đạt yêu cầu”

Lý do 2: không có quy trình làm việc cụ thể và hiệu quả

Thế nào là content đạt yêu cầu

Đây là cách đánh giá content của mình.

Personal thought: các bạn làm sếp hãy xây dựng cho bản thân 1 cái framework để luôn có cách nhận xét toàn diện & hiệu quả. Các bạn làm nhân viên hãy cố gắng hiểu cách sếp mình process, để không phải sửa đi sửa lại quá nhiều lần.

Content có tuân thủ Brand guideline hay không?

Đây là cái mà các bạn mới bắt đầu làm content hay mắc phải. Mỗi brand có những hướng dẫn riêng về văn phong, tone/ mood, màu sắc, hình ảnh riêng. Suy cho cùng, người làm Sếp – cũng chính là người nhận xét content, có nhiệm vụ “bảo vệ” brand, làm cho brand unique/ differentiate theo những value sets được đặt trước. Vì vậy, việc đảm bảo content đi đúng với brand guideline là quan tâm hàng đầu của Sếp.

Dành cho các bạn Nhân viên: ngoài việc đọc và hiểu rõ brand guideline, các bạn hãy chịu khó đọc các post có sẵn trên Facebook của brand để hiểu được từ cái guideline đến cái thực thi nó khác nhau như nào (đùa đấy 😅). Ý mình là từ cái guideline chung chung đến khi triển khai trên thực tế là như thế nào. Ví dụ: lively → màu sắc (đỏ, vàng, xanh), từ ngữ (các bạn ơiii).

Content có phù hợp với mục đích đề ra ban đầu không?

Mỗi khi nhận xét bất kỳ 1 content nào, mình luôn tự hỏi, content này đã đạt được mục đích đề ra ban đầu chưa. Bạn hãy nghĩ như này: sau khi đọc/ xem xong content này, đối tượng nhắm đến (target audience) có thực hiện hành động như mình mong muốn hay không?

Nói về mục đích của content trên Facebook, mình thấy có 1 số dạng như sau:

+ Cung cấp thông tin ← target audience có nhớ được thông tin mình cung cấp không

+ Tăng tương tác ← target audience có chơi game không? có để lại thông tin không? (tuỳ thuộc vào bạn muốn tương tác gì)

+ Bán hàng ← target audience có mua hàng không

Hay dở không biết, content làm ra mà không đạt được mục tiêu thì coi như…bỏ.

Content có phù hợp với đối tượng nhắm tới (target audience) hay không?

Đây là 1 cái trap mà các bạn Sếp rất rất hay mắc phải. Đó là lấy cái chuẩn của bản thân để nhận xét 1 content vốn không nhắm tới mình. Ví dụ: Sếp giàu, không bao giờ xài hàng mass nhưng lại nhận xét: sao content này là xôi thịt quá vậy em? trong khi đối tượng nhắm tới là mass audience.

*Phân biệt target audience (người xem/ đọc content) và target consumer (người mua). Hai đối tượng này có thể là 1 hoặc không. Khi làm content trên Facebook, đối tượng nhắm đến là target audience.

Để tránh cái trap này, việc hiểu target audience là vô cùng cần thiết. Một số cách để hiểu:

+ Đọc báo cáo về target audience

+ Nói chuyện với target audience, những người nằm ngoài cycle của bạn.

+ Nghe focus group (mặc dù cái này mình không thấy nó hiệu quả lắm, nhưng thôi có tiền thì làm rồi coi như là 1 nguồn tham khảo cũng được)

+ Tham gia các group nơi có target audience (mình highly recommend cách này vì mình nghĩ, khi lắng nghe người ta nói chuyện 1 cách tự nhiên về các chủ đề mà người ta quan tâm cũng là lúc bạn hiểu được về người ta nhiều nhất)

Content có phù hợp với nền tảng phân phối (platform) hay không?

Mình đã nhìn thấy những post của nhãn hàng dài như 1 cái sớ, không hề ngắt đoạn, xuống dòng. Mình đã nhìn thấy (rất nhiều) những video được làm cho Youtube rồi phân phối lại trên Facebook. Những lúc như vậy mình chỉ…trời ơi.

Mỗi nền tảng có cách làm content riêng, người xem riêng. Nếu content không phù hợp với nền tảng, người xem skip và nền tảng cũng không ưu tiên phân phối, bao nhiêu công sức là vô nghĩa. Đừng thấy người ta làm thì mình cũng làm. Hoặc nếu có làm thì hãy coi như đó là thử nghiệm xem kết quả thế nào.

Cách để check xem content có phù hợp với nền tảng hay không:

+ Đọc hướng dẫn của nền tảng (luôn có sẵn, nhưng mình không thấy ai đọc): https://www.facebook.com/business/learn/lessons/social-media-tips-and-tools

Mình lấy thông tin này trên Facebook Blueprint, trang chính thức của Facebook có dạy tất tần tật mọi thứ về nền tảng này
Hướng dẫn về video do chính Facebook đưa ra

+ Thường xuyên sử dụng nền tảng. Mình phải nói cái này ra đây bởi vì mình đã thấy không dưới 1 lần “ôi Facebook xàm lắm, tao chả bao giờ vào Facebook” nhưng bạn lại chính là người thường xuyên feedback content Facebook. Hãy coi việc sử dụng Facebook như 1 phần công việc. Để ý xem người ta sản xuất nội dung như thế nào. Mình vẫn chưa hiểu được tại sao một người rất ít khi sử dụng 1 nền tảng có thể đánh giá được content có phù hợp với nền tảng hay không.

Tóm lại:

Set up quy trình nhận xét content như thế nào?

Sau nhiều “đau thương” thì đây là quy trình nhận xét content của mình. Có thể bạn thấy nó quá dài và tốn thời gian, nhưng theo mình tốn hay không nằm ở việc kết quả công việc như thế nào. Chưa kể, nếu bạn làm thường xuyên thì bạn sẽ làm rất nhanh.

Bước 1: gặp người viết content & làm hình ảnh ← nói rõ về brand guideline, personal style, mong đợi của người nhận xét. Bước này rất quan trọng, đặc biệt nếu công ty bạn outsource agency bên ngoài, vì nếu bạn chỉ gặp account, sau đó bạn account về truyền đạt lại với bạn làm content thì rất có thể sẽ bị tam sao thất bản.

Bước 2: với mỗi post, trước khi làm đều nêu rõ: mục đích – đối tượng – nền tảng

Bước 2 phẩy: gửi reference, 1 ví dụ trực quan bằng 800 lời mô tả

Bước 3: sau khi nhận được post, hãy quick call 5 phút với người làm, đừng nhận xét khi chưa hiểu ý đồ của người làm ra nó

Bước 4: nhận xét theo các mục (pillar): brand guideline – mục đích – đối tượng – nền tảng. Kèm lý do cho mỗi nhận xét. Tránh hết sức các kiểu nhận xét cảm tính như dở, chán, không hay. Nhận xét để có kết quả tốt hơn, chứ không phải để thoả mãn cái tôi và làm nhụt chí người khác. Mỗi người có phong cách cá nhân khác nhau, có nhiều cách để truyền tải cùng 1 thông điệp, nếu bạn khăng khăng chỉ có cách của bạn mới tốt thì…bạn hãy tự làm.

Nếu trong quá trình làm content & feedback, bạn không nhận được kết quả như ý, hãy rà lại các bước trong quy trình xem có chỗ nào bạn làm chưa ổn hay không. Nếu mọi thứ đã ổn thì lúc đó, hãy nghĩ tới năng lực của người làm. Viết content Facebook, làm marketing là sự kết hợp của science – vốn là thứ có quy trình, logic và art – sự sáng tạo. Mình tin là nếu bạn linh động kết hợp cả 2 yếu tố này, bạn sẽ có những content phù hợp và hiệu quả nhất.

Trên đây là cách mình thường dùng để feedback content. Thực ra thì cũng không phải ngay từ đầu mình đã nghĩ ra quy trình này, mà đó là cả 1 quá trình tích luỹ và thử-sai. Hy vọng sẽ giúp được mọi người!

Keep doing good work.

Lanh.