1 Tình yêu – 6 Năm – 3 Bài học

Qua 0h ngày 14/02/2021, bạn trai mình nhắn tin: Năm nay là Valentine thứ mấy rồi nhỉ? Lúc đó mình ngủ mất tiêu. Sáng hôm sau dậy mới thấy tin nhắn. Mình phải bấm tay để tính: à, đã 6 năm. 6 năm qua, có lúc thăng lúc trầm, có những lúc vui vẻ hạnh phúc, cũng có cả những lúc chán chường đến mức tự hỏi bản thân: mình có nên chấm dứt mối quan hệ này không. Quay qua quay lại, tụ mình đã cùng nhau đi được một chặng đường dài.

Mình là người làm trong Business. Những ngày đầu đi làm cũng là những ngày bắt đầu yêu. Sau 6 năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc, mình phát hiện ra Business và yêu cũng có nhiều điểm tương đồng. Bài viết này là tổng hợp của mình về những điều từ môi trường công sở có thể áp dụng cho tình yêu 😉

*Mình muốn viết về tình yêu từ rất lâu, nhưng mình ngại. Lý do là lỡ sau này chia tay thì ai còn đi tin và nghe vào những điều này nữa. Nhưng sau rất nhiều trải nghiệm, mình có niềm tin mới. Mỗi mối tình đều là trải nghiệm cá nhân, không “happy ending” không có nghĩa là nó đáng bị chôn vùi hay chối bỏ. Cũng như đi làm, những kinh nghiệm từ tình yêu, đặc biệt từ thất bại sẽ giúp người ta yêu tốt hơn 🥰

Bài học số 1: Yêu có nguyên tắc (Code of conduct – chuẩn mực hành vi)

Chuẩn mực hành vi là những hướng dẫn, qui định về hành vi cần thiết của một tổ chức cần được các thành viên tôn trọng và vận dụng trong các hành vi tác nghiệp, các hoạt động chuyên môn và trong việc xây dựng mối quan hệ với các đối tượng khác.

Bạn đã bao giờ suy nghĩ về điều này chưa?

Rằng mối quan hệ giữa 2 người cũng nên có nguyên tắc. Những quan niệm về công việc, gia đình, các mối quan hệ xung quanh. Cách phản ứng trước bất đồng? Cách xử lý khi một trong 2 người vi phạm điều đã đề ra?

Để một công ty có thể tồn tại lâu dài và tạo ra lợi nhuận bền vững, rất cần một bộ quy tắc ứng xử để mọi nhân viên, từ những bạn thực tập sinh mới vào hay cả các bác lãnh đạo cùng làm theo, tạo nên sự nhịp nhàng và thống nhất. Bộ quy tắc ứng xử này được tạo ra và chỉnh sửa nhiều lần để phù hợp với tình hình phát triển của công ty và bối cảnh thị trường.

Vậy tại sao một điều quan trọng như tình yêu lại không có nguyên tắc ứng xử? Tại sao chờ tới những lúc xung đột rồi mới hoảng hốt tìm giải pháp?

Theo quan sát của mình, các cặp đôi yêu nhau đều đã có những nguyên tắc nhưng khá mơ hồ. Khi tỉnh táo, mỗi người đều biết phải làm gì. Tuy nhiên khi gặp vấn đề thì lại tuỳ tâm trạng để giải quyết. Yêu là cảm xúc, nhưng nếu chỉ dùng cảm xúc thì nguy cơ “toang” là rất cao.

Một số nguyên tắc mà mình nghĩ sẽ rất tốt nếu 2 người dành thời gian thảo luận với nhau:

1.Khi có xung đột, 2 người sẽ làm gì?

2.Khi một trong 2 người vi phạm các nguyên tắc đã đề ra, 2 người sẽ làm gì?

3.Giới hạn của mỗi người là gì? Thế nào là “không thể chấp nhận được”?

Bài học số 2: Yêu có vai trò (Viết JD trong tình yêu)

Khi đọc cái post tuyển dụng, đặc biệt các công ty lớn, sẽ có 2 phần luôn đi kèm với nhau: Responsibility (nhiệm vụ) và Requirement (yêu cầu). Bạn được tuyển vào để làm Sale Manager, nhiệm vụ là: [1] lên forcast bán hàng [2] gặp nhà phân phối, đàm phán giá cả. Yêu cầu là: [a] bạn phải có 2 năm kinh nghiệm làm sale và [b] đã từng quản lý team.

Bạn thử hình dung 1 người được tuyển dụng vào vị trí Sale Manager bên trên nhưng ngay từ đầu không được giải thích rõ là phải làm gì, cần những kỹ năng nào, thì anh ta có thể làm bất kỳ điều gì anh ta muốn. Anh ta vui, anh ta sẽ làm việc chăm chỉ, sẽ bán được nhiều hàng. Anh ta không vui, anh ta không làm gì cả.

Trong tình yêu, cũng giống như nguyên tắc ở bài học số 1, nhiệm vụ và yêu cầu của 2 người sẽ được “ngầm hiểu”. Anh chở em đi làm, mua quà cho em những dịp lễ tết, trả tiền mỗi khi đi ăn uống/ du lịch. Anh vững vàng, không ủy mị. Em nấu ăn cho 2 đứa, chọn chỗ đi chơi, sau này sinh em bé, chăm con. Em dịu dàng, biết vun vén. 2 bên sẽ tự cho là người kia đủ năng lực để đảm đương vai trò của mình. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi đến một ngày, một trong 2 người không làm như trước giờ vẫn làm nữa? Mà đã bao giờ có một thỏa thuận là ai phải làm gì đâu?

Thỏa thuận ai đóng vai trò gì trong mối quan hệ rất quan trọng, bạn có thể không cần viết ra nhưng phải làm sao để cho nó đừng từ “ngầm hiểu” thành “nhầm hiểu”. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có đánh giá đúng về năng lực hiện tại của người kia.

Tùy từng cá nhân và từng mối quan hệ sẽ có những vai trò khác nhau. Tuy nhiên, như bạn cũng biết, khi thành lập 1 team, quản lý sẽ cố gắng chọn những người có năng lực khác nhau để bổ sung cho những điểm yếu của nhau. Nếu trong một team mọi người đều tiến về phía trước nhưng không có ai tính toán kỹ lưỡng hoặc “cản” khi đứng trước những rủi ro, thì team đó cũng sẽ khó mà làm được điều gì. Vì vậy, nhìn nhận điểm mạnh ở người kia và ghi nhận sự đóng góp của những điểm mạnh đó trong mối quan hệ sẽ tốt hơn là yêu cầu người ta phải giống mình.

Bài học số 3: Review tình yêu

Bạn có phải làm review mỗi tuần/ tháng/ quý/ năm không? Với các công ty mình đã làm qua thì là có. Sau một khoảng thời gian mọi người sẽ ngồi lại cùng nhau và 360 độ feedback, tức là mỗi người nhận xét về người khác, ghi nhận các thành quả đạt được và những điểm yếu cần khắc phục. Nhưng sao tình yêu lại không có những buổi như vậy nhỉ? Mình tự hỏi. Làm sao mình biết mối quan hệ đang tốt chỗ nào, đang không tốt chỗ nào khi mình không liên tục nhìn lại và reflect? Tuy nhiên, nhìn lại mối quan hệ không đơn giản như khi đi làm, vì còn liên quan đến cảm xúc.

Một vài tips mình học được ở công ty khi làm review mà mình nghĩ có thể áp dụng được cho mối quan hệ:

1.Face to face: sếp mình sẽ dẫn mọi người đi outing đâu đó và tiến hành feedback trực tiếp. Gặp mặt nhau dễ nói hơn, và cũng không bị tình trạng đang nhắn tin thì im lặng, bỏ dở câu chuyện.

2.Ví dụ cụ thể: khi mình khen hoặc mình phê bình, rất cần có những ví dụ cụ thể để người nghe có thể hình dung được. Tránh nhận xét cảm tính.

3.Kết thúc với “lessons learned”: feedback là để cho mối quan hệ tốt hơn, không phải để trách móc hoặc chê bai. Vì thế, 2 người cần review với 1 tâm thế tích cực. Mình thường ghi lại những bài học và cùng nhau đi ăn 1 bữa thật ngon sau khi review với nhau.

Trên đây là những điều mình nghĩ Business sẽ có ích trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ. Còn bạn thì sao? Bạn có bài học gì? Hãy chia sẻ cùng mình nhé!