4 điều làm thay đổi suy nghĩ của mình về công việc

Mình mới đọc xong quyển sách The 4-hour work week (tiếng Việt là Tuần làm việc 4 giờ) của Timothy Ferriss, cũng là quyển sách đầu tiên mình đọc trong năm 2022. Mình cảm thấy thật may mắn vì đã chọn mua và đọc trong thời điểm này, đặc biệt khi mình đang nghiêm túc tìm hiểu về Lifestyle design & mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống.

Những ý tưởng trong quyển sách này mình đã mơ hồ nghĩ về, tuy nhiên sau khi đọc xong thì mình mới hiểu tại sao nó lại được nhiều người nhắc đến như thế. Tim viết sách này vào năm 2007, đến bây giờ thì rất nhiều điều trong sách đã thành sự thật: làm việc từ xa, tự động hoá, sống theo những gì mình mong ước…tuy nhiên, những ý tưởng trong sách vẫn rất giá trị.

Sách rất hay, bạn nên đọc để cảm nhận. Mình ghi lại 1 vài ý tưởng mà mình thực sự tâm đắc.

Tiền có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng không phải tất cả các vấn đề

“If only I had more money” is the easiest way to postpone the intense self-examination and decision-making necessary to create a life of enjoyment – now and not later.

Bạn hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được vài (chục) tỷ đồng để được tự do làm điều mình thích. Và ngày đó không bao giờ đến với 90% chúng ta. 9% còn lại đạt được điều đó khi đã già.

Tim cho rằng, điều chúng ta mong muốn không phải là “triệu phú” với 1 triệu USD trong tay. Điều chúng ta thực sự mong muốn chính là cuộc sống của một triệu phú: được du lịch, ăn uống ở những nơi mình thích, không bị ràng buộc về thời gian, tài chính…

People don’t want to be millionaires – they want to experience what they believe only millions can buy. How can one achieve the millionaire lifestyle of complete freedom without first having $1.000.000?

Sự thật là: Bạn không cần phải có 1 triệu USD trong tay để có được cuộc sống của một triệu phú.

Để làm được điều này, bạn cần có 2 thứ quan trọng: thời gian (time) và sự cơ động (mobility).

Nếu công việc của bạn đảm bảo được 2 thứ này, bạn có thể tạo ra cuộc sống như bạn muốn mà không cần phải có quá nhiều tiền.

“Lifestyle design” hay còn gọi là “thiết kế phong cách sống” là thuật ngữ trong quyển sách “Tuần làm việc 4 giờ” của Timothy Ferriss.

Cuộc sống ngày nay, đa phần mọi người sống theo “default – những thứ mặc định”. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp default ở mọi nơi. Bạn uống nước nhiều hơn nếu trên bàn có ly nước. Bạn check tin nhắn khi thấy notification. Bạn sẽ không coi ti vi nếu bạn không có ti vi, nhưng nếu tự dưng chuyển đến 1 căn hộ có ti vi, bạn sẽ coi ti vi nhiều hơn. Bạn đi học, ra trường, kiếm việc, lập gia đình, có con, đi làm chăm chỉ 30 năm rồi nghỉ hưu vì xã hội ai cũng thế. Default không có gì sai, nó giúp cho xã hội vận hành vì mọi người cùng suy nghĩ và làm việc giống nhau. Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn hài lòng với cuộc sống, không cần thay đổi. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu dừng lại và tự hỏi, sẽ thế nào nếu mình không sống như những “mặc định”? Nếu mình tiếp tục những gì mình đang làm, 10 năm nữa mình có cảm thấy hối hận vì đã không làm khác đi hay không? Câu hỏi đó chính là tiền để của Lifestyle design – thiết kế cuộc sống.

Nghỉ hưu (để nhận lương hưu và có thời gian làm việc mình thích) là 1 mục tiêu tồi.

Có 2 vấn đề với chuyện con người làm việc và mong chờ đến ngày nghỉ hưu.

Vấn đề 1: Bạn ghét công việc hiện tại và dự định chịu đựng nó trong 30 năm.

Vấn đề 2: Nếu bạn không ghét công việc hiện tại, bạn sẽ ghét việc nghỉ hưu vì nó rất chán.

Ngoài ra, có một lý do xuyên suốt về việc tại sao không nên “làm việc để nghỉ hưu”, đó là Lương hưu thường mất giá rất nhiều do lạm phát. Tiền bạn bỏ vào tài khoản lương hưu bây giờ, sau 30 năm nữa khi bạn lấy ra sử dụng, có thể chỉ bằng 1/2 giá trị, nhiều khi còn tệ hơn.

Thay vào đó, tác giả giới thiệu 1 khái niệm mới, đó là “Mini-retirements” – những kỳ nghỉ hưu “ngắn”. Thay vì làm quần quật trong 30 năm và chờ tới lúc nghỉ hưu, lúc mà bạn đã già yếu, không còn đủ sức khoẻ và liều lĩnh để khám phá thế giới. Những kỳ nghỉ vài ngày là không đủ để học hỏi 1 điều gì đó mới hoặc sống những cuộc đời khác nhau. Sẽ thế nào nếu 1 năm bạn chỉ làm 9 tháng và dành 3 tháng để làm 1 điều gì đó khác?

Làm ít không phải là lười biếng

Đo lường bằng hiệu quả công việc, không phải bằng số giờ bạn ngồi ở văn phòng.

Bạn có nhận thấy điều hiển nhiên này: mọi người đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều nên nhiều khi phải kiếm việc để lấp cho đủ 8 tiếng?

Being busy is a form of laziness – lazy thinking and indiscriminate action.

Dạo này, mình dành nhiều thời gian để nghĩ về Default – những điều hiển nhiên trong cuộc sống mà mình ít khi nào dừng lại để suy ngẫm. Đặc biệt là khi mình mới được nhận vào 1 công ty để làm part-time bên này. 16 tiếng/ tuần. Remote. Trọn thứ 2, sáng thứ 4 và sáng thứ 6, với mức lương cao hơn 50% mình đi làm full-time ở Việt Nam 3 năm về trước.

Tại sao lại làm việc 5 ngày/ tuần, từ 9h sáng đến 6h tối, ở 1 nơi cố định? Sẽ thế nào nếu là 3 ngày/ tuần, từ 2h chiều đến 6h tối, ở những nơi khác nhau?

Mình có thể sẽ không như thế cả đời, nhưng dành vài tháng, hay vài năm, sống ở mỗi nơi 1 ít, hoặc về thăm nhà bất cứ khi nào mình muốn, ở đến khi nào mình chán (bị mẹ đuổi), thì cũng hay ho đúng không?

Một số cách để tạo ra nhiều giá trị hơn trong công việc (mà không phải làm 8 tiếng/ ngày):

80/20: đâu là 20% khách hàng tạo ra 80% thu nhập? đâu là 20% đầu việc tạo ra 80% kết quả? Dành thời gian để nghĩ về những điều nằm trong 20%. Những thứ còn lại, kệ nó. Đôi khi, để những thứ tốt đẹp xảy ra, ta phải chấp nhận những thứ không tốt đẹp lắm, ví dụ như bỏ 80% khách hàng không tạo ra nhiều doanh thu.

Parkinson Law: Ép bản thân có ít thời gian: tập trung vào điều quan trọng nhất. Đặt cho mình một deadline. Bạn cũng biết mà, nếu bây giờ là thứ 2 mà deadline là thứ 6, khả năng cao là bạn sẽ bắt đầu làm vào thứ 5 (hoặc sáng thứ 6 😅).

Not to do list: Để có nhiều thời gian thì phải…làm ít đi. Để làm ít đi, bạn cần có 2 list: to do list and not to do list.

Học cách từ chối: Mình không trả lời email ngay lập tức (trừ những trường hợp khẩn cấp, khoảng 10% số email mình nhận được), còn lại mình sẽ trả lời vào khoảng thời gian mình đã định trước, thường là sau 2h chiều. Bạn có thường bị người khác nhờ vả, cắt ngang,…đó là vì bạn đã cho phép người ta làm như vậy. Tạo nên những quy tắc của riêng mình, hoặc bạn sẽ phải làm theo nguyên tắc của người khác. Nhiệm vụ của bạn là dạy cho những người xung quanh tôn trọng thời gian của bạn.

Ai giàu hơn?

2 người cùng kiếm 1 tỷ/ năm. Bạn A làm việc 40 giờ/ tuần. Bạn B làm việc 10 giờ/ tuần. Ai giàu hơn?

Tác giả giới thiệu khái niệm:

Absolute income: thu nhập/ năm

Relative income: thu nhập/ giờ làm việc. Bằng việc đưa biến “số giờ làm việc” vào công thức, mục tiêu của bạn sẽ thay đổi.

Từ khi biết được điều này, từ một đứa rất hay trễ hẹn, mình cố gắng để trở nên đúng giờ. Mình cũng đâm ra ghét những người trễ hẹn, thất hứa. Vì thời gian của mình rất giá trị, nên mình cũng tôn trọng thời gian của người khác. Một trong những mục tiêu của mình trong năm nay là đúng giờ 80% trong những cuộc hẹn.

Bên cạnh đó, con số thu nhập không phản ánh chất lượng cuộc sống của một người. Bạn kiếm được 1tỷ/ năm và sống ở New York nó rất khác với kiếm 200 triệu/ năm và sống ở Buôn Ma Thuột. Nếu làm việc với ít thời gian, sống ở 1 nơi không đắt đỏ (nhưng vẫn có đầy đủ tiện nghi), và được làm những điều mình thích, đó mới là sự giàu có thực sự.

Trên đây là 4 điều mình rút ra được sau khi đọc xong The 4 hour work week – Tuần làm việc 4 giờ. Tựu chung lại thì mình recommend sách này, vì dù không phải điều nào trong sách cũng thực hiện được, tuy nhiên những ý tưởng trong sách thì rất đáng suy ngẫm. Mình nghĩ nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con đường mình đi trong 10 năm tới.

Nếu bạn chưa đọc, hãy đọc. Nếu bạn đã đọc, hãy cho mình biết cảm nhận của bạn nhé!