Học MBA: Nên hay không?

Từ khi mình đi học, có nhiều bạn, thường là cùng độ tuổi, hay hỏi mình về việc đi học MBA. Tựu chung lại thì mình thấy đa phần các bạn đều có công việc tốt, cuộc sống thoải mái. Tức là các bạn cũng không có lý do gì mạnh mẽ để đi học cả. Mình rất hiểu, vì mình đã từng như vậy. Vì vậy, ở bài viết này, mình muốn cung cấp thêm cho các bạn 1 góc nhìn, là chính trải nghiệm của mình, biết đâu có thể giúp được bạn, vì học MBA, dù như thế nào, cũng là 1 sự đầu tư tiền của, thời gian và công sức, nên rất cần những suy nghĩ thấu đáo.

Học để thăng tiến trong công việc

Điều này đúng, nhưng chỉ khi…bạn học xong và không về nước*. Mức lương cao hơn sẽ đến từ việc bạn làm ở 1 đất nước khác và bằng cấp của bạn được coi trọng. Thường thì trước khi đi học MBA, bạn đã là Manager với tầm 4-5 năm kinh nghiệm. Sau khi học xong, với kinh nghiệm làm việc trước đó, cộng với tấm bằng MBA, bạn sẽ có thể kiếm được 1 công việc ở vị trí tương đương hoặc cao hơn. Mà ở nước ngoài thì lương trả cho level Manager & above khá ổn. Chưa kể, ví dụ như mình học ở Singapore, là regional hub, thì sẽ có rất nhiều job với scope là regional, nên cơ hội để bạn có job với scope bự cũng cao hơn. Mình có đi intern ở 1 công ty Pharma, thì scope của mình là JPAC, tức là Nhật, Hàn và các nước trong khu vực APAC. Được làm việc với nhiều người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau rất thú vị, dần dần mình học được accents của từng nước, cũng như lối làm việc và cách suy nghĩ, cũng là để mình thích ứng tốt hơn và có cái nhìn đa chiều hơn trước những vấn đề trong cuộc sống.

*Hiện nay ở Việt Nam cũng đã có 1 số chương trình tuyển dụng nhắm đến các bạn học MBA (giống MT cho các bạn undergrad), tuy nhiên số lượng còn rất hạn chế.

Học để chuyển ngành

Mình thấy có nhiều bạn trong lớp mình chuyển ngành. Điều này đúng, nhưng cũng có 1 vài yếu tố cần cân nhắc.

Nếu bạn chuyển 1 ngành hoàn toàn khác hẳn cả về industry lẫn skill thì sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Cũng dễ hiểu thôi vì bạn vừa không có kiến thức trong ngành mới, vừa không có kỹ năng phù hợp, thì làm sao mà nhảy cái bụp vào vị trí quản lý được. Tuy nhiên, theo mình quan sát, học MBA là 1 bước đệm tốt để chuyển ngành.

Thứ nhất, đi học sẽ giúp mình thêm dũng cảm để chuyển ngành. Nhiều bạn bè trong lớp MBA của mình sẵn sàng làm việc này, vì thực ra bỏ vài năm để sau đó có được 1 công việc yêu thích trong cả phần đời còn lại thì cũng không phải là đánh đổi quá lớn. “Bắt đầu lại từ đầu không phải là đánh đổi quá lớn”, đây là cái suy nghĩ mình cũng mới có được gần đây. Vì ở Việt Nam, ít người làm như vậy, cộng thêm áp lực đồng trang lứa, rồi làm sao để bắt đầu lại, chưa kể trách nhiệm với gia đình…khiến mình thấy suy nghĩ “làm lại từ đầu” rất đáng sợ. Tuy nhiên, sống ở 1 môi trường mới với đủ thể loại người và nhiều lối sống khác nhau, mình mới thấy cái suy nghĩ rằng mình đã có vài năm kinh nghiệm ở 1 lĩnh vực, và không dám bắt đầu 1 lĩnh vực khác, có phải là mình đang sống vì sợ người khác phán xét hay không. Chưa kể đi học ở nước ngoài, được cái mọi người đều I với You, nên mình thấy mình trẻ lắm, và nhiều người già hơn cũng rất sẵn sàng học hỏi và mạnh dạn thử những cái mới.

Thứ hai, nếu bạn chuyển ngành nhưng có chút liên quan đến ngành cũ, và trong thời gian học MBA, bạn chịu khó đi internship hoặc học thêm vài khoá liên quan đến ngành mới, bạn hoàn toàn có thể có được 1 vị trí công việc tốt & không phải bắt đầu lại toàn toàn, có thể apply vào các vị trí ở khoảng giữa như senior executive. Vì khi đi học MBA, bạn đã xây dựng cho mình được 1 bộ transferable skills (những kỹ năng áp dụng được cho mọi ngành nghề như khả năng tự tìm hiểu thông tin, khả năng học hỏi cái mới, giao tiếp, đàm phán…và các kỹ năng cứng như Finance, Accounting, Marketing, Operation…), cộng thêm kinh nghiệm khi đi internship, thì bạn cũng không quá khó để bắt nhịp công việc.

Kết luận là đi học xong chuyển ngành là hoàn toàn khả thi.

Học để có kiến thức & kỹ năng

Trước khi đi học MBA, mình đã có suy nghĩ rằng học thêm cũng vậy thôi, có gì mới đâu, vì cái gì…Google chả có. Bỏ ra 1 núi tiền để đi học rồi bao giờ mới lấy lại vốn 😅. Với lại, sau khi học xong Đại học và đi làm, thì đã có lúc mình nghĩ đi học để có kiến thức là 1 sự phí phạm, vì cái mình học và cái mình làm chẳng liên quan gì đến nhau. Mình còn có chút ghét việc học, cụ thể là học bài và thi. Tuy nhiên, sau khi học xong được 1 học kỳ, mình đã thay đổi suy nghĩ. À mình vẫn ghét học và thi, nhưng mình đã thay đổi suy nghĩ về giá trị của việc học.

Đầu tiên, nói về hard skills. Nếu bạn không có background về business, bạn có hẳn 1 kỳ (4 tháng) để học về những kiến thức nền tảng: Economic, Finance, Operation, Marketing. Đủ để bạn tự tin làm các công việc liên quan đến business.

Nếu bạn đã học về kinh tế 4 năm đại học (như mình), thì 4 tháng này còn có ích hơn nữa. Vì cách thiết kế bài giảng dành cho đối tượng Manager, bạn sẽ có dịp nhìn lại những kiến thức mình đang có và những việc mình làm theo quán tính dưới 1 góc nhìn có hệ thống và bài bản hơn hẳn. Mình nhớ 1 câu của Prof môn Marketing Stratergy rất hay: đó là I don’t teach you Marketing, I teach you Marketing mindset. Những gì cô dạy làm mình, 1 người làm Marketing đã 5,6 năm, cảm thấy rất thấm.

Sau đó, trường sẽ có rất nhiều môn tự chọn để bạn đào sâu. Có bạn sẽ chọn những môn mình đã mạnh, ví dụ như muốn làm chuyên sâu về Marketing thì học thêm Digital Marketing, Customer Insights…hoặc học 1 cái mới hoàn toàn chỉ vì tò mò, như mình đang học môn Fintech chẳng hạn.

Chưa hết, một phần rất lớn danh tiếng của các chương trình MBA nằm ở việc sinh viên sau khi tốt nghiệp kiếm được việc như thế nào, vì vậy, sẽ có hẳn 1 ban bệ giúp bạn trong chuyện tìm việc từ ngày đầu tiên bước chân vào trường, nào các course về hiểu bản thân, viết CV, Linkedin, phỏng vấn…và hằng hà sa số career fair, career workshop, job board…

Mỗi ngày đi học mình đều cảm thấy vui, vì học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Mình nhận ra là, thực chất giá trị của việc học sẽ nằm ở việc mình có bỏ qua được những định kiến trong đầu hàng bao nhiêu năm nay và sẵn sàng đón nhận cái mới hay không. Thậm chí ngay cả những lớp rất chán, thì mình cũng học được cách phân biệt giữa khả năng truyền đạt và độ sâu sắc của kiến thức. Dạy hay là 1 lợi thế, nhưng dạy cái gì cũng đáng nói. Mình nghĩ mình tư duy tốt hơn về việc học và cách học.

Tuy nhiên, có phải đi học để được 1 cái gì đó hữu hình thì mới nên đi học? Đích đến quan trọng hơn quá trình? Hay, ý nghĩa thực chất của việc học là gì?

Nhìn nhận lại bản thân và con đường sắp tới

Trước khi đi học, mình đã đi làm tầm 6 năm. Trong suốt 6 năm đó, nhờ may mắn (hoặc xui xẻo), mình thất bại rất nhiều lần, và mỗi lần như vậy đều là 1 cơ hội để nhìn nhận lại công việc và bản thân. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ chủ động “nghỉ”. Tức là, thường có 1 điều gì đó xảy ra, như là mình chán việc, chán sếp…thì mình mới dành vài ba ngày để nghĩ về next steps rồi move on. Nhưng lần này, dù mọi thứ xung quanh mình đang rất tốt, mình có 1 công việc “on trend”, thu nhập ổn, đồng nghiệp vui vẻ, sếp hỗ trợ, nhưng mình vẫn chủ động nghỉ việc và đi học. Mình muốn dành cho bản thân 1 thời gian đủ dài ở 1 môi trường hoàn toàn khác để nhìn nhận lại bản thân, con đường mình đã qua và những dự định sắp tới.

Bước ra khỏi môi trường quen thuộc, mình có thời gian để nhìn nhận lại bản thân. Nhìn lại 4 năm đại học và 6 năm đi làm, mình nhận ra cách mình suy nghĩ, lựa chọn và hành xử trước những sự kiện khác nhau có 1 pattern nhất định. Những lựa chọn của mình nói lên điều gì về bản thân mình? Mình chưa có câu trả lời, nhưng mình vui vì mình đã có thời gian để tự hỏi bản thân.

Khi ở trong 1 môi trường mà mình là “nobody”, mình đã tìm lại được sự hào hứng trước những trải nghiệm mới mẻ, mình đã dũng cảm hơn để SAY YES, bớt áp lực PHẢI ĐÚNG: yêu đúng người, chọn đúng ngành, làm đúng việc. Mình nhớ lại những ước mơ của tuổi 20, và tự hỏi điều gì đã làm mình quên chúng? Mình nhớ lại những lựa chọn của bản thân và tự hỏi, mình chọn con đường đó là vì mình tin tưởng vào bản thân và hy vọng vào 1 tương lai tốt hơn hay chỉ vì mình sợ mình sẽ mất những gì mình đang có?

Học MBA nghĩa là after MBA, mình sẽ phải xin việc mới. Liệu mình sẽ tiếp tục với lĩnh vực mình đang làm, hay chuyển sang 1 lĩnh vực mới, hay 1 cái gì đó ở giữa giữa? Công việc nào cũng được, hay phải việc mình thích mới được? Ở khoảng giữa của cuộc đời, mình nhận thấy tầm quan trọng của việc tự xây dựng những định nghĩa riêng về công việc, thành công, hạnh phúc và những mối quan hệ xung quanh. Vì suy cho cùng, nếu bạn không có những định nghĩa cho riêng mình, người khác sẽ gán những giá trị của họ lên cuộc đời bạn. Bằng việc làm này, mình trở nên hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nhiều hơn.

Dành 2 năm cuộc đời để nhìn nhận lại 1/2 cuộc đời đã qua và nghĩ về 1/2 cuộc đời sắp tới, với mình là đáng giá.

Định cư, lấy chồng nước ngoài

Mình không có mục tiêu này, nhưng nhiều bạn của mình thì có. Nếu bạn chưa có người yêu thì đi học cũng là 1 cách rất tốt để kết bạn, mở rộng các mối quan hệ và biết đâu đấy, anything can happen.

Trên đây là vài dòng mình ghi lại sau hơn 6 tháng học MBA. Tựu chung lại, mình thấy vui vì mình đã đi học, và cảm thấy đây là 1 khoản đầu tư xứng đáng. Trong những bài viết tới, mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về học phí, sinh hoạt phí và môi trường sống & làm việc ở Singapore. Nếu các bạn có câu hỏi gì hãy comment ở bên dưới nhé, mình sẽ cố gắng trả lời!

2 comments

  1. Cám ơn Lan Anh rất nhiều. Bài chia sẽ rất hữu ích và thực tế. Rất tuyệt vời. Mong chờ thêm các bài viết sắp tới. Mến chào và chúc LA nhiều sức khỏe.

  2. Lan Anh viết hay quá. Bài viết cũng có chiều sâu nữa. Cảm ơn Lan Anh!

Comments are closed.