Bạn hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được vài (chục) tỷ đồng để được tự do làm điều mình thích. Và ngày đó không bao giờ đến với 90% chúng ta. 9% còn lại đạt được điều đó khi đã già.
Timothy Ferriss (tác giả của quyển sách The 4 hour work week – Tuần làm việc 4 giờ) cho rằng, điều chúng ta mong muốn không phải là “triệu phú” với 1 triệu USD trong tay. Điều chúng ta thực sự mong muốn chính là cuộc sống của một triệu phú: được du lịch, ăn uống ở những nơi mình thích, không bị ràng buộc về thời gian, tài chính…
People don’t want to be millionaires – they want to experience what they believe only millions can buy. How can one achieve the millionaire lifestyle of complete freedom without first having $1.000.000?
Sự thật là: Bạn không cần phải có 1 triệu USD trong tay để có được cuộc sống của một triệu phú.
Để làm được điều này, bạn cần có 2 thứ quan trọng: thời gian (time) và sự cơ động (mobility).
Nếu công việc của bạn đảm bảo được 2 thứ này, bạn có thể tạo ra cuộc sống như bạn muốn mà không cần phải có quá nhiều tiền.
“Lifestyle design” hay còn gọi là “thiết kế phong cách sống” là thuật ngữ trong quyển sách “Tuần làm việc 4 giờ” của Timothy Ferriss.
Cuộc sống ngày nay, đa phần mọi người sống theo “default – những thứ mặc định”. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp default ở mọi nơi. Bạn uống nước nhiều hơn nếu trên bàn có ly nước. Bạn check tin nhắn khi thấy notification. Bạn sẽ không coi ti vi nếu bạn không có ti vi (hiển nhiên 😅), nhưng nếu tự dưng chuyển đến 1 căn hộ có ti vi, bạn sẽ coi ti vi nhiều hơn. Bạn đi học, ra trường, kiếm việc, lập gia đình, có con, đi làm chăm chỉ 30 năm rồi nghỉ hưu vì xã hội ai cũng thế. Default không có gì sai, nó giúp cho xã hội vận hành trơn tru, vì mọi người cùng suy nghĩ và làm việc giống nhau. Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn hài lòng với cuộc sống, không cần thay đổi. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu dừng lại và tự hỏi, sẽ thế nào nếu mình không sống như những “mặc định”? Nếu mình tiếp tục những gì mình đang làm, 10 năm nữa mình có cảm thấy hối hận vì đã không làm khác đi hay không? Và sẽ thế nào, nếu mình “thiết kế lại những mặc định”? Câu hỏi đó chính là tiền để của Lifestyle design – thiết kế cuộc sống.
Lifestyle design – thiết kế cuộc sống là gì?
Mình vẫn chưa tìm thấy 1 định nghĩa chuẩn chỉnh nào về Lifestyle design. Tuy nhiên, sau khi đọc 1 cơ số sách thì mình có hình dung cơ bản như sau. Tưởng tượng như dự án Metaverse của Facebook sẽ thành công, và bạn có 2 cuộc sống: thực tại và trong thế giới Metaverse – nơi mà bạn có thể trở thành bất cứ ai. Bạn có hình dung được hình mẫu nào không? Bạn – trong thế giới Metaverse, sẽ như thế nào?
Quá trình tạo nên hình mẫu đó, trong cuộc sống hiện tại, chính là Lifestyle design.
Lifestyle design is the process of designing your life aligned with your nature, strengths, values, dreams, passion, and purpose. It’s the freedom to design your life the way YOU want.
Lifestyle design, hiểu 1 cách đơn giản, là việc chủ động tạo nên 1 cuộc sống mà Bạn muốn. Cuộc sống đó phù hợp với Bạn, với điểm mạnh, giá trị, ước mơ, đam mê, mục tiêu…của Bạn. Bạn là trung tâm, và cũng chính là người thực hiện. Trong khi cuộc sống của phần lớn mọi người được định nghĩa bởi xã hội, những người thực hành Lifestyle design thiết lập lại những định nghĩa đó để phù hợp với lối sống của họ.
Lifestyle design dành cho ai? Oh, câu trả lời mình hay thấy trong sách là ai cũng có thể thực hành Lifestyle design. Tuy nhiên, theo mình, chỉ những người có sự can đảm và kỷ luật, thực sự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bản thân thì mới có thể tự xây dựng nên 1 phong cách sống cho chính mình.
Vì công việc chiếm phần lớn thời gian của chúng ta. Nếu bạn có thể kiểm soát công việc, bạn có thể có được cuộc sống mà bạn muốn. Vì vậy, nhiều người bắt đầu Lifestyle design với công việc của họ.
3 yếu tố quan trọng trong Lifestyle design
Mọi người thường bắt đầu thực hành Lifestyle design với 1 danh sách những điều cần làm: đặt mục tiêu, thực hiện, đánh giá,…Tuy nhiên, theo mình, cái quan trọng trước tiên phải là tư duy (mindset). Nếu muốn thay đổi bất kỳ thói quen hay lối sống nào, cần 1 tư duy đúng đắn trước nhất. Những tư duy nào sẽ là tiền đề cho Lifestyle design?
(1) Tư duy phát triển (Growth mindset).
Nếu bạn nào đã đọc sách Mindset: The New Psychology of Success thì chắc đã biết về khái niệm Growth mindset. Bạn tin rằng bạn có thể thay đổi trong tương lai, có được thứ bạn muốn, trở thành người bạn muốn. Đối nghịch lại với Growth mindset là Fix mindset, những người cho rằng “ừ tui sinh ra đã dzậy, tui là dzậy đó, vì abc mà tui chỉ dzậy thôi, nếu tui sinh ra khác thì tui đã đạt được xyz”. Với Fix mindset, định mệnh quyết định tất cả, tương lai của 1 người đã có sẵn kể từ lúc người đó sinh ra. Với Growth mindset, bạn tin là bạn có thể tạo nên tương lai của mình.
(2) Thay đổi từ từ.
Ngoại trừ những biến cố rất lớn trong cuộc sống, thay đổi đến rất chậm. Thay đổi không phải là 1 cái đùng, là 1 ngày bạn trở nên 1 con người khác. Đôi khi, nó chỉ là 1 hạt mầm, 1 suy nghĩ thoáng qua, rồi bạn suy nghĩ về nó nhiều hơn 1 chút, bạn bắt đầu thử 1,2 hành động nhỏ, điều chỉnh 1,2 hành động nhỏ khác, rồi dần dần, bạn có những suy nghĩ mới, bạn có những hành động mới, mọi thứ xung quanh bạn dần thay đổi, và một ngày nào đó bạn nhận ra hình như cuộc sống mình đã khác đi 1 chút.
(3) Lifestyle design không phải là kết quả, mà là 1 quá trình.
Không có 1 lối sống nào là tốt nhất, cũng không nhất thiết bạn phải gắn với 1 lối sống cố định cả cuộc đời. Lifestyle design tập trung vào việc xác định những mong muốn của bản thân, thử nghiệm, điều chỉnh, rồi lại thử nghiệm, rồi lại điều chỉnh. Bạn sẽ không thể biết mình có hợp với 1 lối sống nhất định không cho đến khi bạn thử nó. Vấn đề không phải là đạt được mục tiêu, mà là bạn trở thành con người như thế nào trong quá trình đạt được mục tiêu.
Trên đây là những điều căn bản nhất về Lifestyle design. Nếu bạn có câu hỏi gì có thể đặt ở bên dưới cho mình nhé!