Cần bao nhiêu tiền để đi học MBA ở Singapore?

Hello mọi người, lại là mình đây. Sau bài viết MBA, nên hay không? thì mình nhận được nhiều câu hỏi của mọi người về việc học MBA của mình ở Singapore, trong đó có 1 câu hỏi mình thấy mọi người quan tâm khá nhiều là về chi phí và học bổng, vì vậy hôm nay mình viết bài này, dựa trên những kinh nghiệm của bản thân, hỏi han thêm bạn bè mình, hy vọng giải đáp được phần nào thắc mắc của mọi người.

*Mình dùng Singapore dollar cho các con số dưới đây

Học MBA ở NUS tốn bao nhiêu tiền

Điều đầu tiên mà bạn nên biết là chương trình MBA Full time của NUS kéo dài 17 tháng. Theo Financial Times thì NUS MBA Full time ranks 1 ở Singapore, ranks 2 ở Châu Á và ranks 21 globally.

Có 2 khoản lớn khi đi du học là Học phíSinh hoạt phí.

Học phí: S$68k (là năm mình nhập học 2021), năm nay (2022) đã tăng thêm S$8k nên bạn sẽ phải trả S$76k. Học phí sau mỗi năm có thể tăng hoặc không nên các bạn phải vào web của trường để xem. Theo giang hồ đồn thì trường cứ tăng rank trên các bảng xếp hạng thì sẽ tăng học phí 😅.

Sinh hoạt phí: tuỳ thuộc vào mức sống của từng bạn mà khoản này sẽ khác nhau. Nếu bạn ở ký túc xá (S$1k/ người), ăn cơm ký túc xá (S$15/ ngày), đồ dùng cá nhân (S$100), lâu lâu đi ăn ngoài & đi chơi (S$100) thì mình nghĩ sẽ mất tầm: 1,7k/ tháng, tức là 28k/ 17 tháng.

Tổng cộng là S$104k, tức là khoảng 1 tỷ 8. Cộng thêm vé máy bay, quần áo, laptop, máy ảnh, các sự cố (ốm đau bệnh tật)…thì mình nghĩ tầm 2 tỷ cho 17 tháng học MBA tại NUS.

Có những nguồn học bổng nào

Mình không có nhiều thông tin về học bổng của các trường khác và các nước khác. Ngay cả ai được học bổng gì bao nhiêu của khoá mình cũng không có công bố chính thức. Những hiểu biết của mình dưới đây là từ trải nghiệm của bản thân hoặc do mình nói chuyện với các bạn cùng lớp. Mọi người tham khảo thôi nhé.

Công ty tài trợ: Khác với du học ở bậc Đại học hoặc ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, thường thì khi đi học MBA các bạn đã có tầm 4-5 năm kinh nghiệm, đã làm ở các vị trí quản lý và có đóng góp nhất định cho công ty. Vì vậy, 1 số công ty có chương trình tài trợ cho nhân viên đi học MBA, đương nhiên sẽ kèm theo 1 số điều kiện như thành tích của bạn phải nổi bật và học xong phải về làm lại. Tuỳ chính sách từng công ty nhưng theo mình thấy thì mức hỗ trợ tương đối cao, full học phí, sinh hoạt phí, có khi còn tài trợ cho gia đình đi theo nữa. Mình có 1 người bạn được công ty tài trợ cả tiền học mẫu giáo cho con 😅. Đi học theo dạng này nhiều nhất là các bạn Nhật Bản. Ngoài ra, các Consulting firm lớn cũng có. Việt Nam mình biết 1 bạn đi học dưới dạng công ty tài trợ.

Học bổng của trường: NUS có những học bổng dành riêng cho sinh viên MBA. Bạn nộp cùng 1 hồ sơ cho tất cả các loại học bổng: cụ thể là trong Application form, ngoài 3-4 bài essays để apply vào trường, sẽ có thêm 2 bài assays để apply học bổng. Nếu bạn muốn có cơ hội nhận thì làm thêm 2 bài này, không thì thôi. Trường sau đó sẽ dựa vào profile của bạn để cho bạn loại học bổng phù hợp.

Về mức học bổng, mình thấy chủ yếu sẽ là 10-20% học phí. Mình chỉ biết 1 bạn duy nhất được 100% học phí. Tổng số sinh viên nhận được học bổng sẽ khoảng 20%.

Học bổng dạng này thường sẽ kèm điều kiện bạn phải đạt 1 mức điểm nào đó trong quá trình học, ví dụ như min GPA 2,5/4.

Học bổng của các tổ chức: Đối với sinh viên Việt Nam mình thấy có học bổng ADB: tài trợ cả học phí và sinh hoạt phí, nhưng bạn phải về nước ngay sau khi học xong. Trải nghiệm của mình với ADB đó là mình không hề nộp học bổng này từ đầu (mình còn không biết), mà là sau khi đậu NUS MBA thì trường có contact mình và bảo mình làm hồ sơ để apply ADB. Mình nghĩ là do mình đến từ Việt Nam và (có thể) có gì đó phù hợp. Tuy nhiên cuối cùng thì mình không đậu học bổng này. Bài học rút ra là nếu bạn đã được nhận vào NUS MBA rồi thì bạn thử viết mail hỏi trường về học bổng này xem sao.

Tổng hợp lại thì theo nhận định chủ quan của mình, học bổng cho MBA ở NUS là ít cả về số lượng và chất lượng 😅, vì thế nếu bạn muốn học MBA ở 1 trường với nguồn học bổng dồi dào thì mình không nghĩ NUS là 1 lựa chọn phù hợp.

Nếu không có tiền, không có học bổng (nhiều), không có công ty tài trợ, thì đi du học như thế nào

Thì bạn có thể vay.

Ở Việt Nam, vay để đi học khá là ít. Mọi người hay vay để mua nhà, mua xe,…chứ ít ai vay tiền để đi học. Tuy nhiên, khi qua đây, mình thấy có nhiều bạn vay tiền để đi học, và các bạn đó cũng cho là bình thường, vì ở rất nhiều nước, sinh viên Đại học là đã phải vay tiền để đi học rồi (student loans).

Có 1 vài tổ chức cho vay lớn như Prodigy Finance, GradRight…với số tiền up to 90% cả học phí và sinh hoạt phí, mức lãi suất thấp và không cần chứng minh tài chính.

Vay rồi bao giờ mới trả nổi?

Theo số liệu của trường, sinh viên MBA sau khi tốt nghiệp sẽ có job với mức lương trung bình là S$8k/ tháng. Nếu bạn tăng mức sống lên 50% so với thời đi học, tiêu tầm S$2,5k/ tháng, thì mỗi tháng bạn sẽ có dư tầm S$5k. Đi làm khoảng 2 năm là có thể trả hết nợ. Trừ hao thì cho là 3 năm.

Suy nghĩ của mình

Kể cho các bạn nghe về câu chuyện của mình. Khi nghe về số tiền phải bỏ ra, mình đã nghĩ là thôi, học hành gì, tự dưng đang yên đang lành mang 1 cục nợ vào thân. Mình may mắn có gia đình có thể hỗ trợ, nhưng mình học kinh tế, làm kinh doanh, nên mình không muốn chi xài 1 cách thiếu cân nhắc. Lúc đấy, thậm chí mình còn nghĩ là lấy 2 tỷ đi mua đất thì có khi còn lời hơn, lại không phải vất vả 😅.

Tuy nhiên, khi qua đây, nói chuyện với rất nhiều bạn cùng lớp, mình có 1 góc nhìn mới. Rất nhiều bạn bè mình coi việc bỏ tiền ra để đi học MBA là 1 khoản đầu tư, còn mình thì đang xem nó là chi phí. Như mình phân tích ở trên, ở 1 bên của cán cân, bạn sẽ mất 3 năm vất vả để hoàn vốn. Ở bên còn lại, bạn có kiến thức, có trải nghiệm, có nhiều cơ hội mới mở ra. Có bạn hỏi mình là lỡ thế học xong không kiếm được việc, không trả hết nợ,…thì sao? Thì mình xin thẳng thắn nói là sự đầu tư nào cũng đi kèm với rủi ro, high risk high return. Với 1 khoản nợ kè kè bên cạnh, nhiều bạn mình nhờ thế mà cố gắng học hành, bằng mọi cách để xin việc, làm hết sức mình để biến trải nghiệm này trở thành 1 khoản đầu tư có lời, chứ không phải 1 khoản tiêu xài lãng phí. Vậy nên, câu hỏi là, bạn có dũng cảm và đặt đủ niềm tin vào bản thân mình để đặt cược hay không? Mình nghĩ mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau.

Trên đây là những hiểu biết và trải nghiệm của mình về vấn đề có thể gọi là “đau đầu” khi nói đến chuyện đi du học, đó là tài chính. Nếu bạn muốn biết thêm gì có thể hỏi dưới comment hoặc inbox mình nhé, mình sẽ cố gắng để trả lời ạ!