Chương trình học MBA bao gồm những gì?

Hello mọi người, lại là mình đây. Hôm nay, nhân dịp “lại” có người hỏi về trải nghiệm học MBA, mình viết bài này để mọi người rõ hơn chương trình MBA sẽ bao gồm những môn học gì, học như thế nào, từ đó mọi người có hình dung rõ ràng và dễ dàng đưa đánh giá, xem liệu chọn học MBA có đáp ứng được mong muốn của bản thân hay không.

Chương trình học toàn diện & linh động

Khoá học MBA tại NUS Full-time sẽ kéo dài 17 tháng. Chương trình học cơ bản bao gồm 2 học phần chính: core modules và elective modules.

Core modules là những môn bắt buộc, và theo mình thấy thì hầu như trường nào cũng dạy những môn như nhau (dù tên gọi có khác nhau), đó là: Accounting, Finance, Operation, Economics, Marketing, Coporate Strategy, Leadership, Consulting project. Những môn này giúp bạn hiểu 1 cách tương đối toàn diện về các bộ phận khác nhau trong 1 công ty. Đây chính là lý do tại sao mọi người nói không cần có background về business vẫn học MBA và chuyển sang làm business được. Tuy nhiên, nếu bạn có background về business, việc “học lại” nhưng môn này vẫn cực kỳ có giá trị, vì (1) không phải ai cũng học hành chăm chỉ ở bậc đại học 😄, và (2) cách thiết kế core modules ở MBA là cho đối tượng đã có kinh nghiệm làm việc (các bạn trong lớp mình trung bình có 6 năm kinh nghiệm), bạn sẽ không học lý thuyết quá chuyên sâu mà học “cách nhìn nhận dưới góc độ 1 quản lý”. Ví dụ như học Accounting không phải để trở thành kế toán mà là để hiểu cách ghi chép các hoạt động kinh doanh, cách đọc và phân tích báo cáo…tựu chung lại là hiểu về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Cá nhân mình thấy mình được lợi rất nhiều từ việc học những môn core modules: mối quan hệ của mình với đồng nghiệp tốt hơn vì mình hiểu bản chất công việc của họ, và nếu có dự án nào liên quan đến những bộ phận khác thì mình cũng làm trơn tru hơn hẳn. Ví dụ như mình là Marketing Manager, nhờ hiểu về Accounting mà mình biết những chi phí của các hoạt động Marketing được hạch toán như thế nào, để từ đó mình xây dựng ngân sách cho Marketing tốt hơn.

Electives modules là những môn tự chọn. Tuỳ từng trường sẽ có những môn khác nhau. Như ở NUS thì mình tự chọn 10 môn. Đây sẽ là chỗ cho bạn tự “design” sự nghiệp học hành của mình. Có bạn chọn môn mà bản thân chưa biết, như mình học môn Fintech (giờ mình biết Crypto là gì rồi 😄), hoặc cũng có bạn đã xác định được bản thân muốn đào sâu vào lĩnh vực gì nên chọn học những môn liên quan đến lĩnh vực đó, như mình học môn Behavioral Science (bổ trợ cho Marketing). Trước mỗi học kỳ, trường đều publish các môn tự chọn sẽ có, mô tả về mục đích, nội dung, cách thức thi cử, bạn chỉ cần đọc kỹ, có thể hỏi thêm người đã học môn đó, và sắp xếp sao cho hợp lý với lịch của bạn là được.

Ngoài các môn phải lên lớp, thì có 1 môn là Consulting project (tính vào core modules). Hiểu 1 cách đơn giản, môn này giống như 1 dự án, bạn (hoặc 1 nhóm) sẽ tư vấn cho 1 công ty về 1 vấn đề cụ thể. Trường sẽ giúp bạn kết nối với công ty (NUS kết nối được với nhiều công ty lớn như SAMSUNG, BOSCH, MARSH…) và sẽ có 1 giáo sư hỗ trợ nhóm của bạn. Đây là cơ hội rất tốt để bạn có trải nghiệm làm việc như 1 consultant, nhiều bạn tận dụng môn này để tiếp xúc với công ty và trở thành intern, rồi sau đó được nhận vào full-time luôn. Dự án mình làm kéo dài 3 tháng, 1 tuần mình gặp người bên công ty 1 lần. Cuối dự án nhóm mình may mắn có cơ hội được present với bác MD của công ty, còn được bác nhắn tin khen bài làm của tụ mình insightful nữa 😄

Dissertation (bài luận cuối khoá): Theo mình biết thì sẽ có trường phải làm dissertation mới được tốt nghiệp, có trường thì không (như NUS thì chỉ cần học đủ tín chỉ là xong)

Cách dạy của mỗi trường là khác nhau

Nên bạn hãy tìm người đã học để hỏi. Đây là điều mình đã không làm (nhưng may mắn nộp vào trường có cách dạy & cách học phù hợp, tính ra là hên 😀). Tuy nhiên, nếu được làm lại, mình sẽ hỏi kỹ về vấn đề này. Mình chỉ mới học ở 2 trường là NUS và Warwick Business School (exchange) nhưng mình thấy có sự khác nhau rõ rệt.

NUS: tập trung vào thảo luận, vào lớp chủ yếu phát biểu, thảo luận; thi cử nhẹ nhàng, thường là exam hoặc presentation, rất ít assignment hoặc nếu có cũng 1,2 pages nhanh gọn. Cá nhân mình rất thích cách học này.

Warwick: hàn lâm học thuật, luôn có assignment cuối khoá 2k5 – 3k từ, academic writing. Rất nightmare với mình. Warwick còn phải làm dissertation nữa mới được tốt nghiệp. Mình cảm thấy may mắn vì không học Warwick 😄

Từ cách dạy khác nhau, thì cách học/ thi cũng sẽ khác nhau. Ở NUS, mình có nhiều thời gian để làm những thứ ngoài lề: đi intern, tham gia CLB, vui chơi khám phá…phù hợp với mục tiêu của mình nên mình thấy hài lòng. Tuy nhiên mình thấy có những bạn lại không thích cách học như vậy, cảm thấy nó…quá dễ & hời hợt. Nói chung tuỳ người và tuỳ mục đích là vậy.

Học kỳ 1, 2 thì tụ mình học các môn core modules, học vào ban ngày. Tuy nhiên, học kỳ hè (bạn có thể chọn học hoặc không) và học kỳ 3, khi bắt đầu học qua các môn electives, thì mình chủ yếu học buổi tối, ban ngày sẽ dành để đi intern.

MBA không chỉ có học – Các hoạt động khác

Cơ hội học ở nhiều nước: Có những trường có nhiều campus, nên bạn có thể chọn học 1 học kỳ ở campus này, 1 học kỳ ở campus khác (như INSEAD mình có bạn học ở Sing 6 tháng và Pháp 6 tháng). Ngoài ra bạn có thể đi exchange – học 1 kỳ ở 1 trường khác. Tuỳ trường bạn học có liên kết với trường nào, như NUS có exchange program với những trường rất xịn – top thế giới như Kellogg, Yale, Fuqua, LBS…. Được học 1 học kỳ ở những dream school theo mình thấy là rất hay, vì bạn học như 1 sinh viên của trường đó, tiện thể trải nghiệm 1 văn hoá khác, có thêm nhiều bạn bè mới và mở rộng network nữa.

Câu lạc bộ: Ngoài việc học ra thì MBA có rất nhiều CLB (chủ yếu do sinh viên MBA quản lý, vận hành và có sự hỗ trợ từ phía MBA program team), từ professional như CLB Marketing, Finance, Consulting, Entrepreneur…, các thể loại ăn chơi như Social, Sport…, những vấn đề hot như D&I, ESG…Đầu năm khi mới vào thì các CLB sẽ có các hoạt động introduction để mời các bạn vào CLB, rồi bầu Leader của CLB đó. Trong suốt chương trình MBA thì các CLB sẽ tổ chức các event, workshop, networking…bạn tha hồ tham gia, chỉ sợ không có đủ thời gian.

Đi làm trong lúc đi học: Như NUS thì bạn sẽ được đi làm 16h/ tuần trong năm học và đi làm full-time trong kỳ hè. Tuy nhiên, mình biết là không phải trường nào cũng cho sinh viên đi làm như vậy nên bạn hãy hỏi trường cho chắc nhé. Các công ty lớn (Amazon, Google, Microsoft…) còn có những chương trình MBA intern riêng, sau intern thì có cơ hội trở thành nhân viên (Manager level), tuy nhiên tỷ lệ chọi rất cao 😄. Đi làm trong lúc đi học vừa có thêm kinh nghiệm, vừa có thu nhập (lương cho MBA intern khá là tốt, như ở Sing mình thấy thì MBA intern trung bình là 2k5, còn nếu bạn giỏi vào được các chương trình MBA intern của công ty lớn, có bạn được trả tới 5k/ tháng).

Đang đi học mà có việc full-time: thì bạn có thể chuyển sang học part-time. Vì có rất nhiều bạn đi học MBA với mục đích chính là tìm được việc làm, nên rất tích cực tìm việc thậm chí ngay lúc mới bắt đầu.

Tựu chung lại, học MBA không chỉ là học, mà còn có rất nhiều các hoạt động khác để các bạn tham gia, từ đó phát triển các kỹ năng mới, xây dựng network, hoặc đơn giản như mình là được trở lại làm sinh viên, mua vé xem phim giảm giá, có thời gian đi chơi vào thứ 2, nhìn nhận lại bản thân và hoạch định con đường tiếp theo. Nếu bạn có câu hỏi gì có thể hỏi nha, mình sẽ cố gắng trả lời!