Sang năm mới không biết có bạn nào đặt resolution là đi học MBA hay không? Nhân dịp có một vài bạn hỏi, mình viết ra đây một số thứ cơ bản nhất cần chuẩn bị nếu bạn có ý định nộp MBA nhé!
Đây hoàn toàn là kinh nghiệm của mình, một người:
– học lực trung bình khá (mình vừa đủ điểm đậu Đại học, tốt nghiệp Đại học loại khá), không giỏi toán (mình thi đại học khối D), không sử dụng tiếng Anh trong công việc (mình làm công ty Việt Nam)
– chăm chỉ vừa phải nhưng được cái lì lợm không từ bỏ khi thất bại
Những thứ ai cũng phải chuẩn bị
1. GMAT: Có thể bạn đã nghe về những bạn chỉ học GMAT 1 khoảng thời gian RẤT NGẮN, học RẤT NHẸ NHÀNG và đạt điểm RẤT CAO. Tuy nhiên, mình sẽ để số liệu nói hộ mình nhé:
Điều 1: Total GMAT scores range from 200 to 800. GMAC reports that two-thirds of test takers score between 400 and 600.
Điều 2: Nếu bạn đạt 650 GMAT nghĩa là bạn đã đạt điểm cao hơn 70% số người đã thi GMAT trước bạn (trong số đó có cả những bạn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, những quốc gia nổi tiếng với việc học giỏi – học chăm). 650 đã là 1 điểm số rất cao nếu nhìn vào những số liệu này.
(Nguồn: https://poetsandquants.com/2022/08/31/2022-gmat-score-chart-percentiles/)
Điều 3: Điểm GMAT trung bình của top 25 đều cao hơn 650 (trường ở vị trí 25 là 682), tức là đâu đó điểm GMAT của bạn phải nằm trong top 20% những người đã từng thi GMAT. 650, như ở điều 2 là rất cao, nhưng cũng…chưa là gì cả.
Nguồn: https://poetsandquants.com/2021/11/02/gmat-averages-exploded-at-the-top-u-s-b-schools-in-2021-heres-why/2/
Điều 4: Mình hay thấy những trung tâm GMAT post bảng điểm các bạn đạt 700 and above. Tuy nhiên, bạn hãy tự hỏi khoá đó có bao nhiêu người? Bao nhiêu bạn học xong là thi? Bao nhiêu bạn thi được 700 and above. Tỷ lệ này sẽ giúp các bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh điểm GMAT và nỗ lực phải bỏ ra để có được số điểm mong muốn.
Tại sao mình nói những điều này? Để các bạn có sự chuẩn bị hợp lý. Mình có học lực trung bình khá, không giỏi toán, không sử dụng tiếng Anh trong công việc hàng ngày, mình mất khoảng 1 năm để học GMAT, trong đó thường là học vài tháng —> thi —> điểm chưa đạt —> học lại —> thi lại.
2. Ielts: Ielts thì nhẹ nhàng thôi với những bạn đã thi (được) GMAT. Tuy nhiên, cũng không thể “cứ thế mà đi thi”. Nếu bạn đã học GMAT và có nền tảng thì bạn cũng nên dành 1 tháng để luyện đề thi Ielts.
3. Tìm hiểu, lên danh sách các trường tiềm năng, tìm hiểu kỹ về các trường muốn apply: làm song song với học GMAT. Search thông tin chính thống thì nhanh nhưng connect để hỏi sâu thì cũng mất thời gian và còn dựa vào độ hên xui xem bạn có tìm đúng người để hỏi không.
4. CV (Resume): cái lâu của CV không phải là làm, mà là chỉnh sửa. Đặc biệt là khi bạn nhờ ai đó chỉnh sửa CV cho mình thì sẽ mất thời gian để gửi qua gửi lại. Mình nghĩ để có một CV hoàn chỉnh thì cũng phải mất ít nhất 2-3 tuần.
5. Bài luận: Mình làm hồ sơ NUS có tổng 5 bài luận (3 bài chính và 2 bài để nộp học bổng, ai không cần học bổng thì không cần làm 2 bài này). Mình làm khá nhanh, bạn mình sửa cũng nhanh nên mất thêm 1 tháng.
6. LOR: 2 LOR thì viết chắc đâu đó mất 1 tuần. Sửa qua sửa lại rồi nhờ người gửi nữa là mất thêm 1-2 tuần.
—> CV, bài luận, LOR có thể làm song song, làm xong thì sửa rồi lại làm rồi lại sửa, tất cả mất đâu đó 2 tháng. Nếu bạn nộp nhiều trường thì cứ nhân lên với số trường mình nộp, không nên dùng 1 bộ hồ sơ cho tất cả các trường.
7. Giấy tờ (bảng điểm, bằng đại học, hộ chiếu…): làm song song trong quá trình chuẩn bị CV, bài luận, LOR luôn.
8. Phỏng vấn: đậu vòng hồ sơ rồi thì phải ôn phỏng vấn. Mình có review 1 bài chi tiết ở đây. Mất khoảng 1 tháng để soạn và tập.
9. Tài chính: chưa biết có đậu hay không thì cũng đã mất tiền học GMAT (rẻ rẻ cũng cỡ $250), thi GMAT ($275, thi lại nộp lại), thi Ielts ($250), nếu không nhờ được ai review hồ sơ thì phải thuê (mình không thuê nhưng có nghe bạn mình kể nó thuê trả cỡ $5000), tiền nộp hồ sơ ($100), tiền làm giấy tờ linh tinh không tính.
Tóm lại:
– GMAT: 1 năm
– CV, bài luận, LOR, giấy tờ: 2 tháng
– Phỏng vấn: 1 tháng
– Tài chính: $1000 nếu tự làm & thi GMAT 2 lần
Một vài lời khuyên của mình
Hãy chuẩn bị sớm. Như mình đã chia sẻ ở trên, nếu mọi thứ thuận lợi thì bạn cũng mất khoảng 1 năm 3 tháng từ lúc bắt đầu học GMAT cho tới lúc phỏng vấn xong. Vì vậy, nếu bạn đang có suy nghĩ học MBA, hãy bắt đầu với GMAT càng sớm càng tốt để lỡ điểm thấp còn học lại/ thi lại và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho CV, bài luận, phỏng vấn…những phần cũng quan trọng không kém GMAT nhưng thường được làm rất gấp rút.
Tìm một người đồng hành. Nộp MBA có 1 cái nỗi khổ là không ai hiểu tại sao mình phải khổ như vậy 😄 . Kiểu tại sao đang có công việc ổn định, cuộc sống vui vẻ lại đâm đầu vào 1 cái rất khó (lại còn tốn kém) mà cũng chưa biết kết quả thế nào. Nhiều khi ngay cả chính mình cũng tự nghi hoặc bản thân là mình có đang làm đúng hay không? Vì vậy, có một người đồng hành để chia sẻ kiến thức, cùng học bài, làm bài đôi khi than thở cùng nhau sẽ là 1 nguồn động viên tinh thần rất lớn.
Sắp xếp có hệ thống. Hộ chiếu, bảng điểm, thông tin về trường, tài liệu GMAT, ngày phỏng vấn…lượng thông tin và giấy tờ mà bạn cần lưu trữ và sắp xếp là rất lớn. Vì vậy, hãy chủ động tạo ra 1 hệ thống cho bản thân để luôn tìm được cái mình cần, nắm rõ các mốc thời gian để quá trình chuẩn bị và nộp được thuận lợi.
Chú ý đến sức khoẻ tinh thần. Thời điểm mình học GMAT và nộp MBA, mình vẫn đi làm full-time, tối 2-4-6 học GMAT, tối 3-5 đi dạy Marketing, cuối tuần học bài, chuẩn bị hồ sơ. RẤT MỆT, tới mức burn out, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác. May là thời điểm đó mình có bạn bè và gia đình ở bên để nhắc mình làm gì thì làm, có sức khoẻ mới làm được, mà mình đã bỏ bớt những việc không cần thiết, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Trên đây là tổng hợp ngắn gọn của mình về những điều cần chuẩn bị để nộp MBA. Nếu bạn có câu hỏi gì có thể nhắn mình nhé, mình sẽ cố gắng trả lời!