MBA: Làm sao để chọn đúng trường

Nhân chuyện gần đây được một (vài) bạn nhắn tin hỏi mình (về vấn đề du học) là em nên chọn ngành nào, trường nào, nước nào.

Nói về sự lựa chọn, chắc ai cũng muốn chọn đúng?

Mình đọc được ở đâu đó là vấn đề của thế hệ bây giờ không phải không có sự lựa chọn, mà là có quá nhiều sự lựa chọn. Một vấn đề khác là chúng ta chưa được học nhiều về cách chọn, hay nói 1 cách văn hoa là “decision-making process and strategic thinking”. Bạn có thể đọc thêm sách, mình recommend quyển này: HBR Guide to Making Better Decisions: HBR Insights Series

Sau nhiều lần chọn sai, sau đây là một vài suy nghĩ của mình để chọn bớt sai hơn.

1. Đầu tiên, muốn biết sai thì phải định nghĩa: thế nào là ĐÚNG. Vì đúng với mình chưa chắc đúng với bạn. Đúng với người này chưa chắc đúng với người kia. Hồi trước, lý do chọn trường của mình củ chuối hết sức là mình muốn ở gần người yêu. Sau này khi đã học xong, đã đi làm, thì mình mới thấy mình may mắn 😄: nghĩa là có cho chọn lại thì kết quả vẫn là như thế, nhưng cách mình chọn chắc chắn sẽ khác đi. Người yêu sẽ là 1 lý do, ngoài ra sẽ liệt kê thêm những tiêu chí khác như học phí, cách dạy, network của trường, hỗ trợ tìm việc sau khi học xong…& đặt trọng số cho từng cái. Có 1 danh sách giúp bạn nhìn được bức tranh toàn cảnh, còn việc đặt trọng số chính là lúc bạn tự soi chiếu bản thân, nâng lên đặt xuống, từ đó chọn ra cái phù hợp nhất.

2. Không lựa chọn cũng là 1 sự lựa chọn. Có nhiều bạn hỏi mình rất nhiều thông tin, hỏi từ cả năm trước, xong lâu lâu tâm sự với mình là vẫn chưa chọn được, nên chưa bắt đầu. Thực ra là bạn đã chọn rồi đấy, bạn chọn không làm. Để tránh việc này thì bạn nên đặt deadline. Ví dụ: mình sẽ tìm hiểu trong vòng 3 tháng, cụ thể hơn là 1 tháng để lên danh sách các trường bằng thông tin có sẵn trên Internet, 2 tháng còn lại sẽ connect với người đã có trải nghiệm để hỏi sâu hơn, sau đó mình sẽ đưa ra lựa chọn. Đã chọn rồi thì thực hiện, có hay không, A hay B gì cũng được nhưng đừng ở giữa 2 dòng nước, vì như vậy chỉ mất thời gian mà không có kết quả gì cả, lại rất mệt mỏi vì cái suy nghĩ nó cứ vòng vòng trong đầu.

3. Không có cái gì gọi là “chắc chắn đúng”. Nếu một lựa chọn mà “chắc chắn đúng” thì nó không gọi là sự lựa chọn, nó là 1 điều hiển nhiên, cũng không cần phải cân nhắc hay suy nghĩ. Nói như này hơi tâm linh, nhưng khi lớn lên, mình nhận ra có nhiều điều trong cuộc sống diễn ra nằm ngoài ý chí của mình (cả tốt và xấu), việc của mình là làm những việc mình phải làm, và đặt niềm tin vào tương lai. Đương nhiên là vẫn cân nhắc kỹ lưỡng và có những kế hoạch phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên, việc quá hy vọng vào 1 kết quả “như dự tính”, bệnh “nghiện sự chắc chắn”, áp lực “phải đúng”, khiến chúng ta không thể ra quyết định. Như chị Chi Nguyễn (The Present Writer) có viết: I especially hope that you’re able to learn to trust the process of life unfolding moment by moment (Tôi đặc biệt hy vọng rằng bạn có thể học cách tin tưởng vào quá trình cuộc sống gợi mở từng khoảnh khắc một).

4. Lựa chọn sẽ đi kèm với đánh đổi, chọn A tức là không chọn B, chọn A tức là chọn luôn cả những lợi ích/ bất cập của A. Mình nhớ có 1 bạn kể cho mình là bạn muốn học MBA, nhưng ngại học GMAT, bạn thích trải nghiệm, nhưng sợ sự bấp bênh khi đi học ở tuổi 30…Mình kiểu: ủa alo 😄. Một câu chuyện khác, khi nghe mình kể mình mất hơn 1 năm để chuẩn bị cho MBA, có nhiều bạn bảo trời lâu thế, khó thế, thôi không làm. Nhưng loay hoay hoài cũng hết chừng đấy thời gian. Thôi thì cứ thử làm xem sao. Chia cuộc đời ra thành từng giai đoạn nhỏ theo từng chặng, mỗi chặng một mục tiêu, chẳng mấy chốc thời gian qua đi, nhìn lại thấy mình làm được nhiều thứ, cuộc đời mình đa dạng màu sắc, màu nào cũng rực rỡ.

5. Tính đúng đắn của 1 lựa chọn không nằm 100% ở việc chọn cái gì, mà phụ thuộc rất lớn vào việc bạn làm gì sau lựa chọn đó. Đó là lý do tại sao cũng cùng chọn học trường đó, nước đó, mà có bạn thì xin được việc tốt, có bạn thì chẳng đi đến đâu. Hoặc cùng là 1 trải nghiệm đi du học ở nước ngoài, có bạn thì rất enjoy, thấy rất đáng, có bạn thì chỉ muốn học cho nhanh để về. Thay vì dành quá nhiều thời gian để phân vân xem mình nên chọn A hay B mới đúng, hãy dành thời gian và nỗ lực để làm cho cái lựa chọn của mình, dù có là A hay B, trở nên đúng đắn.

Trên đây là một vài quan sát và suy nghĩ của mình. Mình từng là người rất khó để đưa ra quyết định (mà sau khi quán chiếu lại bản thân thì là do mình tham – nên muốn có tất cả, và hèn – nên sợ mất nhiều thứ), nhưng (có lẽ nhờ đi học MBA), mình trở nên chill và quyết đoán hơn. Nếu bạn có câu hỏi gì có thể để bên dưới nhé, mình sẽ cố gắng trả lời!