Đi làm, bạn sẽ rất hay bị hỏi ý kiến đột ngột, có thể là trong cuộc họp có rất nhiều người, hoặc đôi khi chỉ là đang đứng photo và sếp tạt ngang qua nói chuyện. Kiểu như là: em thấy sao? ý kiến của em về vấn đề a b c thế nào?
Bạn có bao giờ cảm thấy “cứng họng”, không biết nói gì lúc đó hay không?
Dù những khoảnh khắc đó là lúc để bạn chứng tỏ bản thân, nhưng bạn:
- Im lặng
- “Em không biết.”
- “Để em hỏi x y z./ Để em về suy nghĩ.”
- Nói lung tung gì đấy (không đâu vào đâu)
Mình cũng đã từng như vậy (giờ đỡ hơn). Tuy nhiên, mình để ý thấy, có nhiều bạn, dù đã đi làm rất lâu, vẫn rơi vào tình trạng trên. Khả năng suy nghĩ nhanh và trả lời thông mình là kỹ năng mình đánh giá là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc và cả thăng tiến nữa. Khi mình đi làm ở nước ngoài thì mình càng thấy sự cần thiết phải luyện tập kỹ năng này, đặc biệt là khi bạn đã có 1 số năm kinh nghiệm nhất định, đủ để có quan điểm riêng về các vấn đề. Sau đây là một vài cách mình đã làm để giao tiếp hiệu quả hơn.
Tư duy: Think fast, answer smart is a learned skill
Và vì nó là 1 kỹ năng, bạn hoàn toàn có thể học được để phản ứng nhanh nhạy hơn với các câu hỏi đột ngột.
Có một số người hay nói: à vì mình là introvert, mình không giỏi nói chuyện, nên mình phải chịu vậy thôi. Hmmm…Đó là fixed mindset, introvert là tính cách, không liên quan gì đến kỹ năng cả. Nên mình nghĩ bước đầu tiên là bỏ đi cái suy nghĩ “tui là dzị đó, nên tui chỉ dzị thôi”. Hãy coi đây là cơ hội để bạn học 1 kỹ năng mới, có thể bạn kết quả không tốt như người có năng khiếu, nhưng chắc chắn là tốt hơn so với không học.
Dừng lại 1 chút
“Pausing” là 1 kỹ thuật trong nói chuyện. Khi bị hỏi, nếu bạn có thể dừng lại 1 chút, bạn lập tức bắt người đối diện phải chú ý đến bạn, cũng là cách để bạn nắm quyền kiểm soát nhịp điệu cuộc nói chuyện. Thời gian này cũng là để giúp bạn tìm ra câu trả lời, sắp xếp các ý trong đầu, và chọn lựa cách nói sao cho hiệu quả nhất. Nhiều bạn bị áp lực là phải nói ngay lập tức, nói hoài, nói mãi, nói liên tục…tuy nhiên, đỉnh cao của giao tiếp là có thể nói đúng lúc và dừng đúng chỗ.
Một cách dễ hơn để dừng lại mà không kỳ cục: cho em 15s để suy nghĩ nha.
Tập suy nghĩ và trả lời có hệ thống – Thinking in structure
Một số model đơn giản để bạn luyện tập:
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai: chuyện gì tương tự đã xảy ra trước đây? dẫn đến tình trạng hiện tại là gì? bài học để áp dụng vào tương lai sẽ như thế nào?
Ví dụ: à trước đây em cũng thấy 1 chuyện tương tự, chúng ta đã làm như thế này, dẫn đến kết quả như thế này; vì vậy lần này em nghĩ mình nên…
Ngắn hạn – dài hạn: hậu quả trong ngắn hạn là gì? trong dài hạn là gì?
Ví dụ: với giải pháp này thì trước mắt sẽ…nhưng khi cân nhắc về dài hạn thì…
Chia nhỏ vấn đề: thường 1 vấn đề lớn sẽ bao gồm những vấn đề nhỏ khác nhau nên thay vì tập trung vào 1 cái rất to và trừu tượng, chúng ta có thể thử bẻ nhỏ sẽ dễ giải quyết hơn
Ví dụ: giảm doanh số thì có thể do sale, cũng có thể do sản phẩm, do dịch vụ khách hàng, do giao nhận…
Khi bạn có thể nhìn vấn đề 1 cách hệ thống như vậy, câu trả lời của bạn sẽ thấu tình đạt lý, có trước có sau, thể hiện tư duy đa chiều.
Science of availability – nói có nội dung
Nếu bạn không có gì để nói, thì đúng là không nói gì được.
Một câu trả lời nó luôn bao gồm 2 phần: nội dung và hình thức. Bạn có thể tập để có hình thức: trả lời rõ ràng, khúc chiết, đi thẳng vào vấn đề; nhưng bạn không thể tập để có nội dung được. Nội dung chính là chuyên môn và trải nghiệm của bạn.
Vì vậy, điều quan trọng nhất đó là bạn phải thực sự có chuyên môn và phải để tâm vào những việc mình làm, từ đó đúc rút ra những câu trả lời chất lượng. Bạn có thể nói rất văn hoa, nhưng người có trình độ sẽ nhìn ra ngay lập tức là bạn nói có nội dung hay không.
Hy vọng bài viết trên giúp được bạn.
Keep doing good works.