Mình đã nghĩ rất nhiều trước khi đăng bài viết này.
Mình tích cực một vài thời điểm trong ngày, một vài ngày trong tháng. Còn lại là nỗi bất an thường trực. Mình đã lờ mờ nhận ra trạng thái tinh thần này, nhưng mình không sao gọi tên được nó. Đứng trước bất kỳ một sự kiện nào, mình đều có xu hướng nghĩ đến kết quả xấu nhất. Mình bị ám ảnh với mọi điều không như ý trong cuộc sống. Có lúc, mình sẽ đột nhiên cảm thấy hoang mang, trơ trọi, cơn sợ hãi dâng lên làm mình không thở được, loạng choạng, mình đổ ụp xuống.
Rối loạn lo âu lan toả.
Đó là kết quả chuẩn đoán của bác sĩ vào 1 ngày tháng 3 năm 2021.
——-
2 năm trôi qua kể từ ngày hôm đó. Mình muốn viết ra những bài học mình đã học được trong suốt 2 năm vừa qua, và biết đâu, bằng việc chia sẻ, ai đó cũng sẽ cảm thấy đỡ hơn.
Chữa bệnh tâm lý và chữa lành là 2 vấn đề khác nhau
Nhiều chia sẻ trên mạng xã hội hay dùng từ “chữa lành”, tuy nhiên, theo trải nghiệm cá nhân của mình, “chữa lành” nó thiên về “thương tổn phần hồn”; trong khi các bệnh về tâm lý đều có nghiên cứu khoa học và vì nó là “bệnh”, chúng ta cần “chữa bệnh”, giống như khi bạn bị đau ruột thừa thì chúng ta đi chữa “ruột thừa”. Ranh giới giữa 2 khái niệm này khá mong manh nên nếu bạn cảm thấy không ổn, hoặc như mình là lo âu quá mức (lo âu vừa phải là một trạng thái tâm lý bình thường), thì bạn có thể cân nhắc đi bác sĩ tâm lý ở các bệnh viện lớn để có hiểu biết về bản thân và nếu có bệnh thì chữa. Phương pháp chữa bệnh thì có thể kết hợp cả thuốc và các biện pháp không dùng thuốc như trò chuyện, khơi mở…(giống với khi bạn đi “chữa lành”).
Chấp nhận rằng chữa bệnh tâm lý cần rất nhiều thời gian
Mình không coi nhẹ các bệnh về tâm lý, nhưng mình đã coi nhẹ quá trình chữa bệnh. Mình đã nghĩ rằng một khi mình biết rằng mình có bệnh, mình uống thuốc, mình tích cực, mình sẽ…khỏi. Nhưng không.
Không có 1 dấu mốc nào cụ thể cho mình biết rằng mình đã khỏi, và việc cảm thấy đỡ hơn không có nghĩa là mình đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào. Khoảng thời gian từ 2021 đến nay, mình trải qua rất nhiều biến động. Sự kiện nào cũng lớn, cũng khó, cũng đòi hỏi nhiều tâm sức. Nhưng mình lại chưa nhận thức đúng tình trạng sức khoẻ tâm lý của bản thân, dẫn đến việc bệnh quay trở lại lúc nào không biết (hoặc mình chưa bao giờ khỏi cả). Vì vậy, mình cần phải cẩn thận hơn, luôn nhớ mình đang “bị bệnh” – tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng và thường xuyên rèn luyện sức khoẻ.
Chia sẻ với những người xung quanh để có sự trợ giúp phù hợp
Trên các phương tiện công cộng thường có ghế dành cho người khuyết tật, các bệnh về tâm lý thì khó thấy hơn những hãy bình thường hoá nó bằng cách chia sẻ với những người xung quanh về tình trạng của bản thân. Nếu gặp vấn đề về tâm lý, bạn sẽ có xu hướng rất nhạy cảm & phóng đại mọi thứ, nên đôi khi chỉ 1 lời nói vô tình cũng sẽ gây tổn thương sâu sắc. Không đơn giản để thừa nhận “mình không ổn”; tuy nhiên, khi dũng cảm nói ra, mình đã nhận được nhiều sự quan tâm và cảm thấy ấm áp hơn. Ngoài ra thì bạn có thể viết ra. Mình viết nhật ký từ rất nhỏ, và vẫn viết đều đặn gần như mỗi ngày. Những suy nghĩ, nó là 1 phần của bạn, nhưng không phải là tất cả của bạn. Viết ra để tách bản thân khỏi suy nghĩ, để tự phản tư xem mình nghĩ như thế có đúng không.
Không thể có 1 tinh thần khoẻ mạnh trong 1 cơ thể ốm yếu
Hiển nhiên đúng không? Mình bị huyết áp thấp, máu lên não chậm, nên nếu mình đói, mình có xu hướng nghĩ linh tinh nhiều hơn. Vì vậy, mình không bao giờ để bản thân bị đói cả. Trong balo của mình luôn có rất nhiều bánh kẹo 😄. Ngoài ra thì mình cũng tập thể dục nghiêm túc, nghỉ ngơi và vui chơi hợp lý. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể tiết ra hocmon hạnh phúc.
Exercise = Endorphins. Enough said.
Nói 1 chút về chuyện nghỉ ngơi. Gần đây, mình mới đọc quyển Rest: Why you get more done when you work less. Thông thường, nghỉ ngơi được xếp sau công việc: chừng nào làm xong việc a,b,c thì sẽ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có 1 cách tiếp cận khác, đó là coi nghỉ ngơi quan trọng tương đương, thậm chí quan trọng hơn công việc. Dành thời gian để nghỉ ngơi, thực hiện việc nghỉ ngơi 1 cách nghiêm túc, và sắp xếp công việc xung quanh các khoảng nghỉ đó. Nhiều năm trước đây, mình đã luôn book lịch để 1 tuần sẽ có 1 buổi mình không làm gì cả. Nhưng cho tới khi đọc được quyển sách này, mình mới có hình dung rõ ràng về tầm quan trọng và thái độ chúng ta nên có với việc nghỉ ngơi. Với mình, nghỉ ngơi là chạy bộ, đọc sách, nấu ăn, đi dạo, và những cuộc trò chuyện. Cuộc sống bận rộn nhưng hãy lên lịch để nghỉ ngơi nhé.
Hy vọng bài viết này của mình giúp được bạn.