Hello mọi người, giới thiệu cho ai chưa biết mình. Mình tên là Lan Anh, mình học MBA ở đại học quốc gia Singapore (NUS) và hiện giờ đang là Growth Marketing Manager cho 1 công ty về Finance service ở London. Từ khi mình viết các bài chia sẻ về MBA, có nhiều bạn nhắn tin hỏi về cách chọn trường, làm thế nào để chọn được trường tốt, để học xong còn “hoàn vốn 😄” vì học MBA không hề rẻ, tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Mình viết bài này chia sẻ lại kinh nghiệm của mình, hy vọng giúp được ai đó.
*bài viết này hoàn toàn là quan điểm cá nhân của mình, và vì trải nghiệm và hiểu biết của mình có giới hạn, mình rất welcome các bạn feedback để mình hoàn thiện hơn
Có những trường chỉ nghe tên đã biết là tốt
Đó là những trường TOP. Mỗi nước, mỗi khu vực sẽ có 1,2 trường như vậy (Mỹ thì nhiều hơn). Có rất nhiều danh sách xếp hạng MBA ở trên mạng bạn có thể tham khảo, một số cái tên như là HARVARD, INSEAD, LBS, HEC, NUS,…Nếu bạn học giỏi (GMAT cao, GPA cao), làm giỏi (MNCs, Unicorns), có 1 câu chuyện thú vị…để được nhận vào những trường này thì xin chúc mừng, bạn đã chọn được 1 trường tốt. Tuy nhiên, có hơn 1 định nghĩa tốt.
Hãy tự định nghĩa cho mình thế nào là “tốt”
Vì mình nghĩ, tốt hay không = có phù hợp với bạn hay không. Tốt với mình chưa chắc là tốt với bạn, và ngược lại.
Dưới đây là tổng hợp của mình về cách chọn trường, bước 1 tới bước 5 dưới đây là 1 vòng lặp, bạn làm tới bước 5 rồi lại dùng những insights mới để bổ sung cho bước 1.
Bước 0: Tại sao bạn lại đi học MBA mà không là Master?
Trước khi chọn trường, hãy ngồi xuống nghĩ lại 1 lần nữa thật kỹ càng: tại sao bạn chọn đi học MBA. Mình lưu ý về việc này vì có nhiều bạn vẫn chưa phân biệt được Master và MBA, tới khi nghiên cứu đã đời xong lại phát hiện ra học MBA không phù hợp.
Bước 1: Lên danh sách những tiêu chí khi chọn trường
Cơ hội việc làm
Cơ hội định cư
Du lịch, tìm hiểu văn hoá
Nâng cao/ bổ sung kiến thức & kỹ năng
Học phí rẻ/ có học bổng dồi dào
…
Bước 2: Tiêu chí nào là non-negociate, tiêu chí nào là nice-to-have
Dựa trên danh sách các tiêu chí, bạn tự soi chiếu bản thân và sắp xếp thứ tự ưu tiên, cũng như xác định những đánh đổi cần thiết. Lựa chọn nghĩa là đánh đổi. Nếu bạn muốn 1 lựa chọn mà bạn have-it-all, thì đó không phải là lựa chọn, mà là 1 điều hiển nhiên.
Ví dụ:
Nếu bạn quan trọng cơ hội định cư, chọn nước trước.
Nếu bạn thích du lịch/ trải nghiệm, châu Âu là 1 lựa chọn tốt.
Nếu bạn không muốn chi nhiều tiền, đừng học ở Singapore (trải nghiệm của mình khi học MBA NUS 😄).
Bước 3: Research, research, research
Website của trường, Google, chat GPT, forums, groups…rất nhiều nơi để bạn tìm kiếm thông tin về trường. Gợi ý của mình về những thông tin bạn nên tự tìm hiểu trên Internet:
– Trường: ranking (của MBA, không phải của trường nói chung; 2 cái ranking này khác nhau), nội dung học, các hoạt động ngoại khoá, các hoạt động hỗ trợ sinh viên (đặc biệt là sau khi ra trường)
– Class profile (rất nhiều bạn không tìm hiểu về về class profile dù nó cực kỳ quan trọng, bạn không học với trường, bạn học với lớp – những người xung quanh): số sinh viên/ khoá (ít quá thì MBA network của bạn sau này cũng ít), % sinh viên quốc tế ( mức độ diversity), tuổi trung bình & số năm kinh nghiệm trung bình (bạn nên match để dễ hoà nhập), % sinh viên có việc sau khi ra trường & lương trung bình (là 1 yếu tố để đánh giá mức độ hỗ trợ tìm việc). Tất cả những thông tin này thường sẽ có trên webiste của trường.
– Quy trình hộp hồ sơ
– Học phí/ học bổng
Bước 4: Kết hợp bước 2 và 3 để short list ra 1 danh sách những trường tiềm năng
Bước 5: Với top 3 trường trong danh sách của bạn, nói chuyện với những người đã/ đang học ở đó để có insights
Đừng bao giờ đưa ra 1 quyết định lớn với chỉ bằng việc đọc thông tin trên mạng. Khi đã có những thông tin cơ bản từ bước 3, hãy mạnh dạn connect với current students/ alumni để hỏi về trải nghiệm của họ, hỏi sâu thêm về những tiêu chí mà mình cho là quan trọng thì trường có đáp ứng được không, và đôi khi trong cuộc nói chuyện đó, sẽ có những thông tin mà mình chưa hề nghĩ tới.
Một số sự thật mình ước gì mình biết sớm hơn
Bạn không thể có mọi thứ cùng 1 lúc. Tức là: cơ hội việc làm tốt sau khi học xong nhưng học phí cao/ trường cho ít học bổng; hoặc tha hồ du lịch/ tìm hiểu văn hoá, nhưng cơ hội việc làm thấp. Vậy, bạn muốn gì? Đâu là những thứ must-have/ non-negotiate? Đâu là những thứ có cũng được, không có cũng không sao?
Rào cản ngôn ngữ/ văn hoá/ ẩm thực và chất lượng cuộc sống: Lấy ví dụ là Châu Âu. Không phải ai cũng hợp với cuộc sống ở bên này. Nếu có rào cản về ngôn ngữ (đi làm/ đi học vẫn nói tiếng Anh nhưng cuộc sống bình thường sử dụng 1 ngôn ngữ khác), rất khó để thực sự hoà nhập và ở lâu dài. Vậy nên, nếu bạn sống ở nước ngoài chỉ để nhìn cây lá vàng hay trải nghiệm mùa đông, 1,2 năm là đủ. Còn nếu bạn muốn đi làm, muốn định cư, tức là sống ở đấy 1 thời gian dài (5 năm trở lên), thì mình nghĩ cuộc sống sẽ đỡ khó khăn hơn nếu bạn chọn 1 nước nói tiếng Anh.
Việc làm và định cư: Lấy ví dụ là Singapore. Có nhiều bạn của mình sau khi học xong đã rời Singapore, không phải vì không tìm được việc tốt, mà vì cơ hội định cư thấp. Vì vậy, nếu mục tiêu của bạn là có 1 quốc tịch khác, hãy tìm hiểu về chính sách nhập cư, chọn nước trước, chọn trường sau.
Cách dạy & học kiểu Âu và kiểu Mỹ: Mình học ở NUS và exchange ở Warwick (UK). Mình rất enjoy khi học ở NUS vì đa phần là thảo luận, thuyết trình, thi cử nhẹ nhàng 😄. Tuy nhiên, 4 môn exchange ở Warwick vô cùng mệt mỏi với mình, vì mỗi môn đều phải nộp assignment 3k từ (personal thought: mình thấy hết sức vô nghĩa khi học MBA mà phải làm academic assignments). Nếu mình biết điều này từ trước, mình không bao giờ chọn Warwick.
Tuy nhiên, vì mình cũng nhận được rất nhiều câu hỏi là chị ơi review giúp em trường A, trường B (thậm chí có bạn hỏi mình về cả những trường mình chưa học 😐). Vì vậy, nên chọn ai để hỏi, hỏi được rồi thì chọn lọc thông tin như thế nào cũng cần phải chú ý.
Tóm lại, chọn trường để đi học sau đại học (Master, MBA, PhD) theo mình sẽ nên là những quyết định cần suy nghĩ kỹ lưỡng, vậy nên:
– Tự tìm cho mình 1 định nghĩa ‘trường tốt”
– Do your homework: vào website trường để đọc về mô tả chương trình, quy trình tuyển sinh, học phí & vào gmatclub để đọc các discussion về trường
– Reach out và hỏi những bạn đã/ đang học (LinkedIn rất có ích ở bước này)
Trên đây là những suy nghĩ của mình về việc làm sao để chọn được trường tốt, nếu bạn có câu hỏi gì hãy để lại bên dưới nhé mình sẽ cố gắng trả lời!